Thư mục giới thiệu sách Tháng 12/2023

Thứ tư - 13/12/2023 14:14
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam đã có biết bao anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và hàng triệu người vẫn còn mang trên mình những vết thương vì đã bỏ lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường. Họ trở thành những tượng đài bất tử, những huyền thoại trong lòng những người đang sống. Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) thư viện Trường Tiểu học Thanh Cao xin gửi tới các độc giả Thư mục giới thiệu sách tháng 12 với chủ đề: Uống nước nhớ nguồn.
Thư mục giới thiệu sách Tháng 12/2023
THƯ MỤC GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12
Chủ đề: Uống nước nhớ nguồn

LỜI GIỚI THIỆU

          Thư mục sách tôi giới thiệu tới quý thầy cô và các con học sinh hôm nay, là thư mục nói về cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Giai đoạn này diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954. Chống Mỹ cứu nước từ năm 1954 đến năm 1975 là cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh của toàn dân và sức mạnh của thời đại để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nghe theo lời kêu gọi kháng chiến của Bác lớp lớp thế hệ cha anh sẵn sàng lên đường nhập ngũ, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam ruột thịt.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1957 đến năm 1959 là thời kỳ vô cùng đen tối của cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn ác, nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam, phá hoại hiệp định Giơnevơ. Thực hiện luật 10/59 chúng lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người kháng chiến, gia đình có người đi tập kết và quần chúng yêu nước.
          Sau đây là một số cuốn sách trong thư mục
1 Cuốn Đội thiếu niên du kích Thành Huế:
       Cuốn sách Đội thiếu niên du kích Thành Huế của tác giả Văn Tùng viết; Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011 (tái bản lần thứ 7); sách có 207 trang; Khổ sách 19 cm. Cuốn sách có mã TN – 000827.
         Cuốn sách được viết làm XII chương:
         Chương I: Từ trang 5 – trang 19 Nói về sự giàu có khác biệt giữa lão chủ nhà băng tay sai cho giặc và người dân nghèo
         Chương II: Từ trang 20 – trang 32 nói về con đường học hành của cậu bé Toàn và các thành viên tham gia đội du kích Huy, Châu, Toàn... Đội thiếu niên du kích ấy làm lễ tuyên thệ và những lời thề vang lên
từ trong những lồng ngực nóng bỏng căm thù:
 “Tôi xin thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì vinh dự Đội
Tôi xin thề tuyệt đối giữ bí mật cho Đội
Tôi xin thề tuyệt đối nhận mọi nhiệm vụ Đội giao”
Cái nóc lầu của Đông Ba vĩnh viễn ở lại trong tâm trí họ như một kỉ niệm về chiến công. Và từ phút đó, họ có chung một suy nghĩ, chung một việc làm. Những bàn tay xiết lại, họ hứa với mình, hứa với bạn, hứa với những gì thiêng liêng mà họ vừa bắt gặp: màu đỏ của lá cờ, đôi mắt mến yêu của Bác, rằng họ sẽ góp sức nhỏ bé của mình biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta.
          Chương III: Từ trang 33 – trang 45 nói về tình hình hoạt động của Đội ở địa điểm chợ Đông Ba
          Chương IV: Từ trang 46 – trang 63 nội dung nói về Pháp đưa thêm chỉ huy về cai trị.
          Chương V: Từ trang 64 – trang 72 nói về khi Dũng một người trong đội bị bắt và bọn Pháp dùng đủ biện pháp tra tấn mà chúng không khai thác được gì từ Dũng.
          Chương VII: Từ trang 80 – trang 87 bọn Pháp tra tấn Dũng và thả Dũng xuống sông cùng với hai bao tải đá. Dũng đã hy sinh.
          “Dũng ơi! Nằm lại đây nhé, tất cả thương Dũng, nhớ Dũng, xứng đáng là bạn của Dũng. Chúng mình sẽ đề nghị lên trên đưa Dũng đến nơi an nghỉ cuối cùng ở chân núi Ngự Bình, chỗ chúng ta thường hội họp để Dũng luôn luôn có mặt trong các cuộc họp với bọn mình. Dũng ơi! Tạm biệt …Hai cái đầu cúi xuống nhìn nấm mộ một lần cuối. Gió sớm luồn vào bãi mía xào xạc. Hai đứa đi sát bên nhau. Không một ai thấy lạnh, hơi ấm của họ đã truyền cho nhau”.
          Mời bạn đọc tìm hiểu từ chương VIII đến hết chương XIII xem nội dung nói về tình hình hoạt động của đội du kích như thế nào nhé.
  1. Đội thiếu niên du kích Đình Bảng
    Cuốn sách Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của tác giả Xuân Sách; Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011 (tái bản lần thứ 11); sách có độ dày 299 trang; khổ sách 19 cm. Cuốn sách được mang mã TN – 000834.
      Những năm quân Pháp tràn tới chiếm đóng khắp các thôn làng, như mọi vùng quê trên dải đất Việt Nam, khắp vùng Kinh Bắc, Đình Bảng sục sôi không khí chống giặc cứu nước. Với những thành viên nhỏ tuổi dũng cảm, mưu trí như Hoan, Phát, Tâm, Lượt…Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đã góp phần không nhỏ vào cuộc
kháng chiến chống quân xâm lược.
Qua chuyện kể chân thật và sống động của nhà văn Xuân Sách, cuộc sống, tình cảm, những chiến công xuất sắc của các đội viên tuổi hoa Đình Bảng những năm kháng chiến chống Pháp đã, đang và sẽ còn được các thế hệ bạn đọc yêu thích, lưu nhớ.
Đây là tâm trạng của Lượt, Hoan, Húc, Thiết, khi bác Nhã nói rằng bác thay mặt chi bộ Đẳng tổ chức Đội du kích thiếu niên.
Ngoài tâm trạng chung mà họ mới cảm thấy chứ chưa diễn tả ra được ấy, mỗi người còn có suy nghĩ riêng.
Lượt thì nghĩ ngay đến lá cờ Đội và bản danh sách. Lượt đọc lướt trong óc tên từng đội viên, xem ai là có thể tin cậy được. Địa điểm họp sẽ đặt ở đâu? Mật hiệu, ám hiệu ra sao? Lại còn kho đạn và những khẩu súng. Nhớ mặt những thằng giặc đã bắn ba anh ở bãi Mã Lách! Những thằng nào đêm qua bắn chị mình? Sẽ nói những câu gì để an ủi mẹ? Mẹ ơi, con lại được hoạt động, con sẽ trả thù cho chị con…
Lòng Hoan có nhiều điều kích thích kì lạ, phải một lúc Hoan mới thấy bình tĩnh lại. Hoan nghĩ lộn xộn đến những mưu mẹo đánh địch, đến một lời thề, đến những khẩu hiệu viết trên tường, và nhớ tới Lũy, Thuộc và nhất là Phát. Bây giờ Hoan lại tiếc là chúng nó không được dự buổi họp này”.
“Tên đội không quên Lượt, hắn quay lại và bắt gặp đôi mắt Lượt đang ánh lên niềm vui thích, hắn càng sôi máu, nhảy lại tát Lượt, Lượt nảy đom đóm mắt ngã xuống, chưa kịp gượng dậy thì lại phải chịu trận đòn tới tấp. Lúc đầu lượt thấy đau, buốt, rồi Lượt nghiến răng lại chịu đựng, trong óc giữ một ý nghĩ: “Không mất năm khẩu súng”. Một cảm giác tê dại lan khắp người. Lượt thấy người hẫng đi và đang trôi giữa một dòng sông nước xoáy quay cuồng. Một lúc lâu như vậy, Lượt thấy lạnh trên người và dần dần tỉnh lại, cảm thấy toàn thân đau nhức. Chúng nó xách Lượt đứng lên, hỏi:
  • Kho súng mày chuyển đi đâu?
  • Lượt nhổ toẹt những gì vướng trong miệng, đấy là máu lẫn đất cát.
Tên đội nhắc lại:
Kho súng mày chuyển đi đâu?
Bây giờ đứng đối mặt với kẻ thù. Trước kia đã có lúc Lượt tưởng tượng khi mình bị địch bắt, giờ đây là sự thực. Lượt thấy đau trong cuống họng nhưng vẫn gắng nói rõ:
  • Không biết!
  • Chuyển đi bao giờ?
  • Không biết.
  • Lượt nói khó nhọc và máu trong mồm lại ứa ra.
  • Mày là du kích hả?
  • Tôi đi chăn trâu.
Tên đội cũng mệt phờ vì đánh Lượt. Hắn đứng im nhìn Lượt suốt từ đầu đến chân như muốn đánh giá rõ ràng đối thủ của mình. Hắn bảo tên lính đưa cho hắn một quả lựu đạn. Hắn tung tung vài cái nhẹ nhẹ rồi ngoắc ngón tay vào cái vòng sắt, gí sát quả lựu đạn vào ngực Lượt.
  • Mày không nói tao sẽ rút chốt, mày sẽ tan xác!
Lượt nghĩ thầm: “Hắn tưởng mình là một thằng ngốc, không biết rằng lựu đạn nổ thì hắn cũng tan xác, thứ mày thì không dám rút chốt đâu. Nếu ở tay tao, tao sẽ làm”. Lượt nhìn hắn có vẻ chế giễu, và lặng thinh.
Tên đội hỏi một cách gượng gạo:
  • Mày không sợ à?
Được rồi, hãy cứ để cho mày tưởng là tao ngu ngốc. Lượt đáp:
  • Tội sợ.
  • Sợ thì nói đi!
  • Tôi không biết gì cả.
Tên đội lại nổi xung đưa mũi giày đinh đá vào đầu gối Lượt, Lượt lại ngã sóng soài xuống mặt ruộng. Một tay hắn túm hai tay Lượt quặt ra sau lưng, tay kia nắm hai chân nhấc bổng Lượt lên rồi đem lại cái mương nước. Hắn giơ cao Lượt lên ngang đầu rồi buông tay thả xuống.
          Nước bắn tung tóe. Hắn lại sai lính lôi Lượt lên để nằm trên bờ cho tỉnh lại. Lượt nằm ngửa, tóc bết xuống trán, bùn nước nhòa khắp mặt. Lượt hé mắt nhìn. Bầu trời trong xanh và nắng chiếu lúc này bỗng nhiên vàng chói ùa vào đôi mắt nhỏ của Lượt, một cánh mây nhởn nhơ trôi lang thang trên bầu trời. Chợt Lượt nghĩ đến con trâu. Lượt ngước lại nhìn thấy mấy tên lính đang bắt trâu. Lượt thu hết sức hét lên: “chạy đi”.
          Nhưng con trâu không hiểu tiếng Lượt, nó đã bị tên lính túm dây thừng lôi đi. Con trâu hếch mõm lên kêu thảm thiết. Lượt nghĩ. “Thế là chúng nó ăn thịt mất con trâu rồi. Cả ba nhà mới chung nhau được con trâu ấy”.
          Chúng trói Lượt rồi dẫn về làng. Người Lượt ướt sũng nước, quần áo rách bươm. Lượt bước từng bước nặng nhọc, đôi chân run run, vừa đi vừa lắc đầu cho nước khỏi chảy vào mắt. Đằng trước Lượt vẫn là cái bao tải lù lù biết đi. Những ý nghĩ về tên phản bội lại trở lại giày vò trái tim đau đớn của Lượt.
          Vĩnh biệt nững trận chiến đấu!
          Vĩnh biệt những ước mơ chưa thực hiện được!
          Vĩnh biệt bạn bè thân yêu!
          Một tràng súng ré lên, Húc và Bảy của chúng ta ngã xuống không một tiếng kêu. Chỉ có gió xào xạc khóc thầm trên cành cây ngọ lá, trên các mái nhà. Tiếng khóc ấy thổn thức kêu gọi trả thù…
          Cùng là các chiến sĩ nhỏ tuổi tham gia hoạt động rất hăng hái. Cuốn sách tôi giới thiệu tới chúng ta cuốn sách được mang tên Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt.
          3 Cuốn sách Đội thiếu niên tình báo Bát sắt
Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt gồm các chú bé liên lạc trinh sát của các đơn vị chiến đấu đường phố mặt trận Nam Hà Nội. Trong khoảng gần hai năm, bắt đầu từ nhóm mở đường bí mật trở về Hà Nội. Các em đội viên được lần lượt tung vào thành phố tạm chiếm hoạt động. Khó có thể nói hết mọi việc các em đã làm, như gây dựng cơ sở bí mật trong các gia đình công nhân, dân nghèo, tri thức, học sinh… điều tra tin tức và tình hình địch, tổ chức việc đưa đón cán bộ ra vào nội thành, tham gia tiễu trừ Việt gian phản động cùng nhiều hành động táo bạo khác.
      Cuốn sách Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt của tác giả Phạm Thắng; nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011 (In lần thứ 6); sách có độ dày 163 trang; khổ sách 13 cm x 19 cm. Sách được mang mã TN – 000832.
       Đội Thiếu niên Bát Sắt thành lập và hoạt động từ ngày 19/12/1946 đến cuối năm 1948. Để thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong Đội phải cải trang để sống hợp pháp trong nội thành. Thực hiện các nhiệm vụ đưa thư tín, mệnh lệnh của trên; đưa dẫn cán bộ ra vào vùng địch tạm chiếm.
Phùng Thế Tài- Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở khu học xá Việt Nam (nay là phố Bạch Mai- Hà Nội); đưa ông Trần Quang Cơ- quân báo viên quận 6 bị lạc trở về đơn vị (sau này ông Cơ trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); dẫn đường cho một tiểu đội quân Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch trong lòng Hà Nội. Đặc biệt chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo đến các nhân sỹ, trí thức, vận động họ đi theo cách mạng. Các giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vợ, kỹ sư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Đặng Phúc Thông, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Phạm Khắc Quảng, Trần Văn Lai, các luật sư Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Tường Chiểu… đã đi theo cách mạng.
Đội Thiếu niên Bát Sắt trực tiếp đưa ông Phan Khắc Hòe, nguyên đổng lý văn phòng của Bảo Đại và hai con trai cùng vợ chồng kỹ sư Đặc Phúc Thông vượt vòng vây địch lên chiến khu Việt Bắc, được Hồ Chủ tịch đánh giá là một thắng lợi. Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paquet (Lê Hữu Bá Kế) tại nhà riêng; nắm địa chỉ nhà riêng, quy luật hoạt động của tên việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri, Chủ tịch hội đồng an dân Bắc Kỳ, để đưa đường cho đội trừ gian của ta tiêu diệt…
  1. Cuốn sách Vừ A Dính
Dưới chân núi Đề Chia có anh hùng bất tử Vừ A Dính
Chính nơi đây anh đã hy sinh, anh đã hy sinh bảo vệ cán bộ
Quân thù, chúng đã giết anh, chúng đã giết anh.
Nhưng tên anh còn vang mãi trong trái tim mọi người.
Vừ A Dính người con trai của bản mèo.
Anh đã nêu gương sáng chói cho đàn em noi theo
Tên của anh đã đi vào trang sách mới của tuổi thơ…”.
Chúng ta có biết Vừ A Dính là ai không? Đó chính là người anh hùng nhỏ tuổi nhưng vô cùng quả cảm và gan dạ trong cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân
dân ta.
     Cuốn sách Vừ A Dính của nhà văn Tô Hoài viết; nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2019; cuốn sách có 55 trang; khổ sách 12 cm x 19 cm; Sách được mang mã thư viện TN – 000184.
    Để có thêm hiểu biết anh hùng Vừ A Dính, chúng ta cùng tìm hiểu cuốn sách này nhé.
   Vừ A Dính là một thiếu niên dân tộc Mông, quê ở Pù Nhung, vùng cao huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu.
   Trong kháng chiến Vừ A Dính đi công tác, gặp địch càn quét. Vừ A Dính bị bắt, đã hy sinh vô cùng anh dũng. Anh là tấm gương sáng cho thiếu nhi các dân tộc ở Tây Bắc kháng chiến đã hăng hái sản xuất, đánh giặc và tham gia mọi công tác xây dựng khu du kích.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình anh chính là cơ sở cách mạng của ta. Chính vì vậy, Vừ A Dính đã sớm giác ngộ và có tinh thần cách mạng ngay từ khi còn nhỏ.
          Năm 13 tuổi, anh xung phong làm liên lạc, tiếp tế lương thực cho cán bộ cách mạng, nhân dân địa phương. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng với sự gan dạ, bản lĩnh kiên cường và sự mưu trí, không ít lần anh rơi vào tình thế nguy hiểm song đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
          Trong một lần, Vừ A Dính đi liên lạc, anh bị Pháp bắt, bị tra tấn, hành hạ dã man nhưng bằng bản lĩnh cứng cỏi của một người chiến sĩ cách mạng, anh quyết không khai bất kì thông tin gì. Trước thái độ đầy ngoan cường của cậu bé giao liên, giặc Pháp đã quyết định xử tử và treo xác anh lên cây đào cổ thụ Khe Trúc. Anh Vừ A Dính đã hi sinh đầy anh dũng, quả cảm khi chưa đến tuổi 15.
            Năm 1951, Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam tuyên dương Vừ A Dính trong thiếu nhi toàn quốc. Năm 1952, Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng ba cho thiếu niên anh hùng Vừ A Dính. Tên tuổi của anh đã vang danh núi sông, không chỉ là tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước mà còn là người đã truyền cảm hứng tốt đẹp trong suy nghĩ, hành động và mơ ước của mỗi chúng ta.
          Để có thể thấy hết được tinh thần chiến đấu, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của anh, cô mời các em tìm đọc cuốn sách “Vừ A Dính” của tác giả Tô Hoài để cảm nhận được tinh thần chiến đấu cũng như tinh thần yêu nước của quân và dân ta trong thời kì chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước.
Chúng ta vừa đập tan quân Pháp thì quân Mĩ lại sang xâm chiếm Việt Nam – dải đất thân yêu của chúng ta lại phải oằn mình gánh chịu bao đạn bom tàn phá, chúng cày xới làm cho dân ta phải sống trong cảnh nghèo đói, lầm than. Không chịu cảnh bị áp bức bóc lột nhân dân quyết tâm đứng lên đánh Mĩ. Cuốn sách tiếp theo tôi giới thiệu trong thư mục đó là cuốn sách được mang tên Bến Tre Đồng khởi và đội quân tóc dài.
  1. Cuốn sách Bến Tre Đồng khởi và đội quân tóc dài
     Cuốn sách Bến Tre Đồng khởi và đội quân tóc dài do nhiều tác giả viết; Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành năm 2010; 366 trang; khổ sách 21 cm. Sách có mã thư viện TN – 000814.
     Sự tàn ác của Mỹ - Diệm đã dồn nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải vùng lên dùng bạo lực chính trị, vũ trang để giải phóng cho mình. Dưới ánh sáng nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân Bến Tre đã tiến hành Đồng khởi giành chính quyền từ tay địch thành công. Cuộc đồng khởi quật cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân Bến Tre đã mở màn cho phong trào Đồng khởi của toàn miền Nam, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, đưa
cách mạng miền Nam từ thoái trào giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm Mỹ - Diệm vô cùng run sợ. Trong Đồng khởi Bến Tre, các tầng lớp phụ nữ đã dũng cảm, kiên cường trực diện đấu tranh với kẻ thù, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Đồng khởi.
          Bến Tre là tỉnh có diện tích tự nhiên hẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lại chiếm một vị trí đặc biệt trong tình cảm của nhân dân cả nước. Bến Tre xứ dừa, Bến Tre nôi Đồng khởi, Bến Tre của những đội quân tóc dài, Bến Tre với nghìn lẻ một sự tích anh hùng đánh Mỹ…Nữ tướng Nguyễn Thị Định là người phụ nữ rất kiên trung lãnh đạo Đội quân tóc dài chiến đấu. Chưa có người phụ nữ nào được vinh dự nhận lấy sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân như bà Nguyễn Thị Định. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.
Nguyễn Thị Định sinh ngày 15 tháng 3 năm 1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Gia đình của bà là nông dân nhưng tham gia phong trào chống Pháp. Là con út trong nhà nên bà còn có biệt danh là Út Tịch.
                Năm 1982, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế; năm 1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Nhân dân Hát Môn, Hà Tây đã rước bát hương thờ bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh.
          Ở Cu Ba có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Tên của bà được nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ đặt tên cho con mình. Hình ảnh bà khi xuất hiện ở nước ngoài làm nổi bật vị thế Việt Nam. Nhưng đằng sau vinh quang, huyền thoại Nguyễn Thị Định là nỗi đau, nước mắt…Những giọt nước mắt ấy đã trở thành châu ngọc tỏa sáng, soi đường cho thế hệ sau tiếp bước…Vào 22 giờ 50 phút ngày 26 – 8 – 1992, bà Nguyễn Thị Định vĩnh viễn ra đi.
 Cuốn sách này nói về tinh thần hoạt động cách mạng của nhân dân Bến Tre mà bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng khởi Đồng khởi Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi đợt 1 ngày 17/01/1960 thắng lợi mở đầu cho phong trào Đồng khởi trong tỉnh và toàn miền Nam.
  1. Cuốn sách Gia đình má Bảy
         
     Cuốn sách Gia đình má Bảy của tác giả Phan Tứ được nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2014; sách dày 393 trang; khổ sách 21 cm. Được gắn mã TN – 000816.
    Cuốn sách nói về con trai má Bảy phải tham gia đội thanh niên đi dân vệ cho địch. Con trai của má tên là Sỏi. Khi vào dân vệ phải đọc lời tuyên thệ: Bỏ trực một đêm gác bù ba đêm. Để sẩy cộng ở tù thay cộng. Mất súng đền mười ngàn đồng, tù năm năm. Vác súng theo cộng thì tử hình vắng mặt, tịch thu tài sản, cả nhà đi di dân. Họ bắt học thuộc lòng rồi thề vậy đó.
      Gia đình má Bảy là nơi hoạt động và trú ẩn của Việt minh. Dõng thỉnh thoảng còn đưa một người bà con đến gửi ở hầm bí mật nhà má. Bác Hai Công, anh Sáu, chị Liên, anh Thắng toàn người lạ. Họ ở nhà
 má năm bảy ngày, đi nơi khác và không thấy trở lại. Riêng bác Hai Công về sau có tin bị bắt. Địch làm lễ chiến thắng to lắm, nói bác là tỉnh ủy viên “Việt cộng nằm vùng”. Thằng Phổ tự tay mổ bụng bác, đem về phơi xác một tuần giữa chợ quận. Má khóc suốt mấy đêm, mỗi bữa xới một bát cơm để lên bàn thờ cúng cơm cho bác. `
 Ôi quê hương! Quê ta nằm dưới kia, ngay trước mắt tưởng như kêu to một tiếng thì vợ ta nghe thấy, duỗi tay ta có thể xoa được tóc con. Quê ta nằm bên ta đó, nhưng nằm trong tay giặc. Nhà ta chúng đốt rồi. Vợ con ta bị đày rồi. Đồng chí ta liên tiếp bị chặt đầu, mổ bụng. Bốn tỉnh tự do cũ của ta bị băm vằm, cắn xé. Rẻo cát với biển Đông thêm trắng với khăn tang của những người vợ tìm xác chồng, cuốc hú họa mỗi nơi có dấu mới đào. Miền Nam đang chảy máu qua tất cả các lỗ chân lông. Sao ta còn phải nằm đây?
       Đột nhiên thằng Mỹ tuôn một tràng xì xồ như để trả lời câu gọi bia gượng gạo. Hắn hất hàm về phía má Bảy. Tên phiên dịch gọi:
  • Bà già kia trung tá hỏi đây nè.
Má Bảy giật mình mím môi đợi.
- Trung tá nói cho bà biết rằng sáng mai toàn sư đoàn sẽ tổng tấn công vô làng của bà, vì nơi đó có nhiều Việt cộng. Làng bà sẽ bị triệt hạ bởi các oanh tạc cơ hạng nặng cùng với trọng pháo, không còn viên đá này chồng lên viên đá kia nữa. Bà có ý tưởng gì? Bà muốn tránh sự thảm khốc của chiến tranh hay không?
Một ánh chớp chợt lóe trong đầu má. Thằng Móc-gân! Đúng thằng tây đồn trưởng thứ tư đồi tới Đồng Mè. Hắn thích treo vợ con du kích trên cây mù u ở góc bãi ga, rồi ngồi trong lô cốt tập bắn bia vào họ, thỉnh thoảng tu một hơi rượu. Má nhớ mặt hắn lắm: xác hắn nằm lại Đồng Dừa sau một trận càn, mặt cạn máu trắng bệch, về sau lại vàng trong như nặn bằng sáp ong khi du kích sắp đem chôn. Má nhìn thẳng vào mặt thằng Mỹ: quả hắn rất giống tên Móc-gân nhưng mắt hắn xanh còn mắt thằng Pháp nâu như mắt khỉ.
Tên phiên dịch giục:
  • Bà trả lời đi.
  • Tôi nặng tai chưa nghe rõ.
Má đáp tôi già nua, nghĩ sao nói vậy. Nghe các ông hội đồng hay khoe Huê Kỳ là bạn, Huê Kỳ tốt lắm, sao cái lòng Huê Kỳ này nói toàn những sự độc ác gớm ghê vậy? Ông giết hết dân tôi đi, lấy đất này cho người xứ ông tới ở phải không? Tàu bay đại bác của các ông bắn phá ác hại quá, các người phải xuống đây yêu cầu các ông đừng giết dân nữa! Không gì bọn tôi cũng có tuổi, chưa xứng cha mẹ cũng đáng anh chị của ông, ông đừng ăn nói quá lời mà mang tội. Hễ gần đất xa trời thì không biết sợ cái thứ bình điện đâu ông à.
          Trên đây là một số đoạn trích trong tiểu thuyết gia đình má Bảy cho chúng ta thấy cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta rất gian khổ. Làng của má Bảy một ngày có tới gần năm mươi gia đình đều có giỗ, chẳng bao giờ lại có một cái giỗ chung nhiều người đến thế. Phải hy sinh rất nhiều mới có nền độc lập như ngày hôm nay.
          Cuốn sách tôi giưới thiệu tiếp theo là cuốn Sống như Anh.
  1. Cuốn sách Sống như Anh.
Lòng căm thù giặc từ người lớn đến trẻ em sôi sục, sẵn sàng sả thân cứu nước. Cuốn sách Sống như Anh Tác giả Trần Đình Vân ghi lại qua lời kể của vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2014. Dày 270 trang; khổ sách 21 cm. Vì Tổ quốc vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng
 Nguyễn Văn Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước nhất là cho các cháu thanh niên học tập!
                              Bác Hồ
      Sống như Anh thiên tình ca của thời đại. Khỏi phải nói, đối với anh hạnh phúc riêng gắn liền với hạnh phúc chung của giai cấp của dân tộc. Cho nên, diệt Mỹ cứu nước, đó mới là lý tưởng chân chính của đời anh. Nếu như anh có thể nói:
“Vì tình yêu lồng lộng
Tôi xin hiến đời tôi.
Thì anh lại càng nói:
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái”
 
          Tình yêu của chị Quyên đẹp ở sự ngây thơ trong trắng bao nhiêu thì tình yêu của anh Trỗi đẹp ở ý thức sáng suốt bấy nhiêu. Tình yêu của chị Quyên là giấc mơ hạnh phúc ngàn đời của quần chúng mà tình yêu của anh Trỗi là đỉnh cao của tình cảm cộng sản tương lai.
Quyên, anh bị bắt!”
          Chân lý đến với chị đột ngột quá, phũ phàng quá, đau đớn quá, xé toang tấm màn ảo tưởng ngây thơ và phơi bày ra trước mắt chị cả cái mâu thuẫn gay gắt một mất một còn của xã hội trong đó chị đang xây mộng yêu đương. Một bên là ta, một bên là địch. Một bên là chính nghĩa của những người đòi hỏi hạnh phúc và một bên là gian tà của những kẻ thù địch đối với hạnh phúc của loài người. Một bên là cái cao thượng tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng và một bên là cái đê hèn hết chỗ nói của những tên bán nước tay sai.
          Lịch sử đã giao phó cho thế hệ chúng ta sứ mạng cao cả tuyệt vời là bỏ vào vạc dầu tất cả những tên Trưng Vương còn sống sót trên trái đất để cho nhân loại mãi mãi hát khúc tình ca. Cho nên thiên tình ca chân chính của thời đại chúng ta có thể nào không đi đôi với thiên tình ca diệt loài trăn tinh đế quốc.
Sống như Anh chủ yếu là một bản hùng ca. Nhưng cũng vì vậy mà bản tình ca
trở thành tuyệt đẹp. Bản tình ca của anh Trỗi và chị Quyên đã hòa làm một với bản tình ca rộng lớn của cả một lớp người, đã chinh phục được tình thương mến, nỗi lo âu, niềm hân hoan mong ước của hàng vạn trái tim yêu chính nghĩa. Có phải tình yêu quê hương đã đến với anh Trỗi ngay từ giọt nước mắt cay đắng dưới hầm tàu khi anh phải dằn lòng rời bỏ quê hương vào Sài Gòn kiếm sống, giữa tiếng kêu xé ruột, xé gan của người anh: “Trỗi ơi, Trỗi ơi, về nhà anh chị nuôi, đi thì bỏ xác thôi, Trỗi ơi…”. Có phải từ đó bước vào cuộc sống lầm than và được sự giáo dục của đồng chí cán bộ Đảng, anh đã hiểu rõ yêu ai và yêu như thế nào cũng như căm giận ai và căm giận cho mãnh liệt. Có phải từ đó anh đã biết yêu thương cái xóm lao động nghèo Khánh Hội mà anh xông vào chữa cháy, yêu thương bé Dần, nạn nhân của chế độ giết người, côi cút ngay từ khi tuổi đời mới đầy sáu tháng. Có phải từ đó anh đã biết đồng bào đồng chí của anh, yêu dòng sông Thu Bồn hai bờ mát rượi bóng tre nơi quê anh, yêu luống rau xanh của Tổ quốc cho đến giây phút băng đen tử hình chực trùm lên cặp mắt anh, yêu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh cho đến khi viên đạn quân thù xuyên thủng tim anh. Tình yêu đó không thể nào chết được.
  1. Cuốn sách Trở về trong giấc mơ
      Cuốn sách Trở về trong giấc mơ là Nhật ký của liệt sỹ Trần Minh Tiến do tác giả Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu; Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2005; sách có 324 trang; khổ sách 19 cm. cuốn sách nằm trong tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Sách có mã STK – 003368.
      Trở về trong giấc mơ và mối tình đẫm nước mắt của đôi trai tài, gái sắc một thời xứ Hà Đông.
       Anh là Trần Minh Tiến, sinh năm 1945 trong một gia đình dân nghèo nhất nhì thị xã. Cha và mẹ anh đều cao tuổi. Trong cải cách ruộng đất, gia đình anh được chia một gian nhà kho rộng chừng 10m2. Cả nhà anh gồm bốn người đều sống trong đó. Cha đau yếu luôn, một mình mẹ mở
hàng nước và gánh cơm bình dân xoay sở qua ngày. Để phụ giúp mẹ, cậu bé Tiến đã phải đi bán kem, lạc rang, làm thuê…tự mua sách vở và kiếm sống. Bù lại, Tiến học giỏi và đặc biệt cậu bé rất có năng khiếu văn nghệ - thể thao. Khi còn là một cậu học sinh cấp hai, Tiến đã nổi tiếng là một cậu bé hát hay và là một hậu vệ xuất sắc “linh hồn” của đội bóng Trường phổ thông Lê Hồng Phong. Những năm đầu của thập kỷ 60, đội bóng này đã từng “làm mưa làm gió” không chỉ ở thị xã Hà Đông mà còn ở cả Hà Nội. Cũng chính từ đội bóng này đã cung cấp một lứa cầu thủ giỏi cho đội tuyển bóng đá của tỉnh Hà Tây thời đó. Nhiều người sau này đã thành danh. Năm 1963 mới 17 tuổi, Trần Minh Tiến được tuyển vào bộ đội.
Còn chị là Vũ Thị Lui thường gọi là Lưu Liên ít hơn anh một tuổi. Chị Lưu Liên không những là một cô gái thông minh, xinh đẹp mà còn múa giỏi, hát hay có tiếng. Chính vì thế, mặc dù đã biên chế là cán bộ kế toán của Xí nghiệp Ươm tơ huyện Hoài Đức, nhưng chị Lưu Liên vẫn thường xuyên được làm diễn viên của Đoàn văn công Xung kích tỉnh Hà Tây. Mặc dù bị gia đình ngăn cấm, nhưng anh lính trẻ mê bóng đá và cô văn công Lưu Liên vẫn tha thiết yêu nhau.
Cuốn sách Trở về trong giấc mơ được chia làm năm phần và hai phụ lục.
  • Phần thứ Nhất: Vừa tạm biệt người yêu trái tim đầy xao xuyến.
  • Phần thứ Hai: Tam Đảo mùa đông rét buốt thêm một cái Tết lính xa nhà.
  • Phần thứ Ba: Nhớ em buồn muốn khóc.
  • Phần thứ Tư: Khổ luyện cùng những đêm mưa rừng không ngủ.
  • Phần thứ Năm: Vĩnh biệt miền Bắc đi B và những trang viết cuối cùng.
  • Phụ lục I: Những lá thư không gửi của Lưu Liên.
  • Phụ lục II: Một số trang nhật ký của Lưu Liên.
Cuốn nhật ký “Trở về trong giấc mơ” không chỉ là câu chuyện tình kỳ diệu và cảm động của một anh bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ. Nói đúng hơn là lớp thanh niên hồi ấy. Tôi muốn dành sự khâm phục rất nhiều của mình cho chị Vũ Thị Lui, (tức Lưu Liên) cái tên hồi nhỏ mà gia đình chị, một gia đình tư sản có tiếng ở Hà Đông, đặt cho theo kiểu quý tộc Pháp. Tôi không thể nhắc lại những gì cảm động hơn mà cuốn nhật ký đã thể hiện. Nếu như đoạn nhật ký viết ngày 14 – 3 – 1968 của Trần Minh Tiến:
 “Nhưng biết làm sao, trước nhiệm vụ ta phải dẹp lại tất cả để ra đi. Như vậy không phải là ta tự dối lương tâm mình mà cũng không phải vì danh dự hão huyền. Ta ra đi để làm đúng bổn phận, trách nhiệm của người lính. Ta ra đi để mang sức mạnh một cách hăng hái nhất hiến dâng cho cách mạng, cho Tổ quốc
 (ba tháng sau, anh đã anh dũng hy sinh tại Khe Sanh). Để thấy rõ tầm sống của dân tộc ta lúc đó là tầm nhân loại, tầm của chân- thiện – mỹ; thì với tình yêu của chị Lưu Liên; bên cạnh đó là anh Doãn Hùng, chồng chị, để làm nên cuốn sách này. Ta càng thấy hơn nguồn cội yêu thương, chung thủy của dân tộc mà đó cũng là con đường khôn ngoan là cách tự vệ, di dưỡng tuyệt vời của người Việt. Cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”, mà “Trở về từ giấc mơ” là một, cũng sẽ di dưỡng không những cho lớp trẻ nhiều bài học làm người mà còn di dưỡng cho tất cả chúng ta bài học cuộc đời quý giá.
  1. Cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm
     Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm do Đặng Kim Trâm chỉnh lý; Vương Trí Nhân giới thiệu. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành năm 2013 (in lần thứ 39); Sách gồm 294 trang; khổ sách 21 cm. Sách có mã TN - 000818.
     Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/10/1942, trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm – nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội.
      Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp trường Đại học y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc cuối tháng ba năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều
cho các thương bệnh binh. Chị được kết nạp Đảng ngày 27 tháng Chín năm 1968. Tháng Sáu năm 1970, quân Mỹ mở cuộc càn quét quy mô lớn lên vùng Đức Phổ - Ba Tơ, bệnh xá Đức Phổ bị kẹt giữa vòng vây. Sau hơn mười ngày cầm cự, nuôi giấu và chữa trị cho thương binh trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo, ngày 22.6.1970, trên đường đi tìm vị trí để di chuyển bệnh xá khỏi vòng vây địch, chị chạm trán với một đơn vị lính Mỹ phục kích và hy sinh anh dũng tại xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đang, Ba Khâm, Ba Tơ.
          Hài cốt của chị được đồng bào địa phương an táng tại nơi chị ngã xuống và luôn hương khói. Sau giải phóng chị được gia đình và đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Hòa. Năm 1981 gia đình đã đưa chị về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm, Hà Nội.
          Tháng hai năm 2006, đúng với nguyện vọng của hàng triệu người Việt Nam yêu quý hình ảnh người nữ anh hùng, Đặng Thùy Trâm được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
          Nhật ký Đặng Thùy Trâm được đề nghị dịch và xuất bản sang mười lăm thứ tiếng. Ngày 11.9.2007, bản tiếng Anh của cuốn nhật ký đã được nhà xuất bản Random House xuất bản tại Mỹ. Nhiều tờ báo và hãng thông tin lớn trên thế giới như The New York Times, Los Angeles, International Heral, Tribune, USA Today, The Independent, AP, AFP, CNN đã đưa tin về sự kiện này kèm theo những bình luận trân trọng.
          Cuốn sách này được lấy nguyên bản từ hai cuốn nhật ký viết tay của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hiện đang lưu trữ tại Viện Lưu trữ Việt Nam – Đại học Texas Tech – Hoa Kỳ. Cuốn thứ nhất gồm 216 trang viết tay, bắt đầu từ 8.4.1968 tới 4.12.1969, do Federic Whitehurst (cựu sĩ quan tình báo quân đội Mỹ) giữ lại không đốt trong một trận càn vào căn cứ của ta khoảng cuối tháng Mười hai năm 1969. Trong trận càn này Thùy Trâm bị mất hai cuốn nhật ký, nhưng Fred chỉ giữ lại được một cuốn. Cuốn đã bị thất lạc có lẽ là nhật ký viết từ ngày rời Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu.
          Cuốn thứ hai gồm 53 trang viết tay bắt đầu từ 31.12.1969 và kết thúc vào ngày 20.6.1970, do một đơn vị bộ binh Mỹ thu được trên thi thể liệt sĩ, sau đó cũng được chuyển tới tay chính người cựu sĩ quan tình báo trên.
          Trong cuốn sách này được viết gồm hai cuốn nhật ký của Đặng thùy Trâm cuốn thứ hai và cuốn thứ ba:
          Cuốn thứ hai được viết từ (8.4.1968 – 4.12.1969).
          Cuốn thứ ba được viết từ (31.12.1969 - 20.6.1970).
          Phần cuối cuốn sách có một số tư liệu ảnh được lấy từ album gia đình, ảnh do Frederic Whitehurst chụp tại Quảng Nam – Quảng Ngãi trong thời gian 1969 – 1972, ảnh do liệt sĩ Nguyễn Giá – Phóng viên Hãng phim thời sự - Tài liệu Việt Nam chụp tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi trước khi anh hy sinh vào tháng Mười năn 1970.
          Sau đây là một số đoạn trích trong cuốn nhật ký:
“Những ngày rực lửa
Vui, buồn tràn ngập giữa tim ta”
          Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì năm tháng sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng chọn cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”
          “3.11.1968, Miền Bắc đã hòa bình! Tiếng bom rơi phi nghĩa đã câm hẳn rồi trên miền Bắc thân yêu của chúng ta. Miền Bắc ơi! Niềm vui đang rạng rỡ trên mười sáu triệu khuôn mặt nhưng trong nụ cười của mỗi khuôn mặt ấy còn đọng một nét khổ đau. Vì miền Nam còn đau thương khói lửa, vì miền Nam còn nặng tiếng gầm gào của bầy quỷ dữ.
          Ba má và những người thân thương ngoài đó trong niềm vui hôm nay không thể không chạnh lòng nghĩ đến miền Nam và nghĩ đến mình. Thì hãy cứ vui đi, dù niềm vui chưa trọn vẹn!”
“Dù phải trải qua giông tố
Nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”
          Cuốn 2 được viết năm 1970
“Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản. Tinh thần trong suốt như pha lê, rắn chắc như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng. Người cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần có thể nhẹ như lông hồng mà chết được”
Hoàng Văn Thụ
          “12.6.1970
          Có cái gì mong đợi tha thiết trong lòng. Mong gì? Mong những người về bổ sung cho bệnh xá để có thể đảm đương nhiệm vụ nặng nề trong những ngày tới. Mong cuối tháng em về, mong thư những người thân yêu…Và niềm mong ước lớn lao nhất là Hòa bình, Độc lập để mình lại trở về sống trọn trong lòng mẹ. Sao mấy bữa rày trong tâm tư mình nặng trĩu nhớ thương…đêm đêm mình mơ thấy miền Bắc…Ngày ngày mình ước ao mong đợi…Ôi Th. Ơi! đường đi còn lắm gian lao, Th. Còn phải bước tiếp chặng đường gian khổ đó. Hãy kiên trì nhẫn lại hơn nữa nghe Th.”
          Nhật ký đặng Thùy Trâm có cái nhân tố nhân văn đầy bí mật đó. Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.
  1. Cuốn sách Người mẹ cầm súng:
    Cuốn sách Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2012 (tái bản lần thứ 8); sách được mang mã STK – 003247; được in trên khổ giấy 21 cm.
     Nhà văn Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca có bút danh là Nguyễn Ngọc Tấn ông sinh năm 1928, mất năm 1968.
    Nguyễn Ngọc Tấn ra đời là kết quả của tình yêu say đắm giữa một người viên chức có học, sớm tham gia các phong trào cách mạng, đã có gia đình con cái và một cô con gái. Chị là một cô con gái con nhà nghèo nhưng lại được học hành, ham mê văn chương và cũng sớm có mặt trong các hoạt động tranh đấu ở một vùng quê Bắc Bộ giàu truyền thống cách mạng cũng
như văn hóa Nam Định. Lấy nhau rồi chịu đựng lời ong tiếng ve của kiếp làm lẽ, họ vẫn tiếp tục tham gia các công tác cách mạng.
          Nguyễn Thi sinh ngày 15/5/1928, lúc mẹ mới 19 tuổi, đến tháng 10 năm 1930, sau cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, mới bập bẹ, không biết cậy nhờ ai, anh đã phải theo mẹ vào tù cả nửa năm. Lên chín tuổi mồ côi cha, mẹ phải đi bước nữa, anh thực sự phải bước vào chặng đời phiêu bạt: Ăn nhờ ở đậu nhiều gia đình bà con xa gần hết Nam Định lại Hà Nội. Tham gia một gánh hát đồng ấu đi lang thang nhiều tỉnh phía Bắc. Mười lăm tuổi, di trú vào Sài Gòn, ở nhà anh trai con bà cả. Có dịp học vẽ, đàn ca, đọc sách. Mê người con gái đầu tiên viết truyện làm thơ tặng nàng. Những nét tính cách bắt đầu định hình: thu mình vào đời sống nội tâm, ngại tiếp xúc, vẻ ngoài lạnh nhạt, thủ thề, dễ oán hận. Những biến động xã hội có sức lôi cuốn anh, sau tháng tám 1945, anh đã sớm theo cách mạng. Nam bộ kháng chiến, thất lạc gia đình anh tham gia du kích, vào bộ đội, làm trinh sát trong đơn vị cảm tử. Qua chiến đấu và trong chiến đấu mà năng khiếu cầm kỳ thi họa của anh được bộc lộ và phát triển, anh được kết nạp Đảng, tham gia nhiều trận đánh. Chính những năm tháng này, bằng các trang viết, Nguyễn Thi đã tạo cho mình một vóc dáng riêng giữa những bạn văn cùng trang lứa.
          Dẫu cầm bút hay cầm súng, trước hết, trên hết, anh là một người chiến sĩ luôn tìm cách để có mặt kịp thời ở những nơi chiến sự ác liệt nhất. Trong trận chiến đấu không cân sức trên một cửa ngõ vào Sài Gòn những ngày Tổng tấn công Mậu Thân đợt hai mùa hè năm 1968, tự nhận trách nhiệm chỉ huy, anh đã chiến đấu thực thụ như một người lính. Anh đã hy sinh ngày 24/5/1968.
          Cuốn truyện kí Người mẹ cầm súng nói về tinh thần chiến đấu quả cảm của chị Út Tịch - một người đàn bà có sáu con. Cùng tham gia chiến đấu với bà con ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
          “Thường đã nửa đêm, Út mới về đến nhà. Con Bé lật đật ra mở cửa. Trong mùng, bốn đứa nhỏ la nhí nhố: “Má về, má về”, rồi thức dậy đều hết. Út không kịp cởi bao đạn, ôm lấy con. Thằng Hiển nhỏ nhất, níu lấy cạc-bin của mẹ, đòi ngoéo cò. Con Thanh em kế con Bé, cởi bao đạn cho mẹ. Con Thơ, con Anh, con kế con Thanh, ôm lấy cổ mẹ. Út phân phát bánh cho con. Những tấm bánh Út đã nhịn sau khi đánh trận về, mấy mẹ con du kích mỗi người một cái ăn lót dạ. Trong những tiếng ríu rít của đàn con Út nghe câu được câu mất. Chị vui như vừa đi xa về. Một niềm vui kì lạ, tưởng như mọi việc sống chết vừa xảy ra hồi nãy đây là không có. Và nếu có, nó cũng chỉ còn những tia chớp rất yếu ớt, rất xa trong những đêm mưa mát dịu, không hề làm xao động tới cảnh đầm ấm của mẹ con trong nhà. Thực ra lúc nằm phục kích bao ý nghĩ Út đều quay cả vào giặc. Súng nổ chị quên hết, cả lỗ công sự cũng bỏ. Lúc rút lui trên đường về, chị mới giật mình nhớ đến đàn con. Nếu mình hi sinh thì nó ở với ai đây? Nó ở với nhân dân! Bây giờ nó cũng đã ở với nhân dân rồi. Đời mình cực thì đời sau nó sướng. Giặc còn thì giặc cũng giết cả đời con mình. Nghĩ đến cảnh đàn con phải đi ở đợ như mình ngày xưa, Út không chịu nổi – “Còn cái lai quần cũng đánh” Út dạy con như vậy”.
          Thưa các đồng chí giáo viên và các con học sinh.
          Trên đây thư viện trường Tiểu học Thanh Cao vừa giới thiệu tới các đồng chí cùng các con học sinh thư mục sách viết về một số anh hùng dân tộc của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Qua thư mục giới thiệu sách này tôi hy vọng sẽ bổ trợ và giúp các đồng chí giáo viên thêm tư liệu khi soạn bài lên lớp và giúp các con học sinh khi làm bài kiểm tra, trả lời các câu hỏi về một số anh hùng tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Tôi xin trân trọng kính mời thầy giáo, cô giáo cùng các con học sinh đến thư viện nhà trường tìm đọc những cuốn sách này nhé.







Người biên soạn thư mục



Đào Thị Oanh Yến

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây