Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi qua nhưng những dấu ấn mà nó để lại vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh những người anh hùng liệt sĩ sẵn sàng ngã xuống vì nền độc lập tự do vẫn còn đó, in sâu vào hồn thiêng dân tộc, sống mãi với non sông đất nước. Chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), thư viện Trường Tiểu học Thanh Cao xin giới thiệu tới thầy cô và các bạn cuốn sách “Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Hoài Lộc. Sách được in ấn bởi Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2022 , sách dày 41 trang, in trên khổ 19x 26 cm.“Chuyện kể về mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” là câu chuyện có thực về mười cô gái thanh niên xung phong đã khắc ghi tên mình trên một chặng đường lịch sử của dân tộc. Đó là mười cô gái tuổi mới đôi mươi trong tay chỉ có cuốc xẻng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, kiên cường ý chí “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ được tắc”. Xin kính mời quý độc giả cùng tìm đọc
Thư viện trường Tiểu học Thanh Cao
Thanh Cao, ngày 4 tháng 12 năm 2023 Bài giới thiệu sách tháng 12 Chủ đề: “Uống nước nhớ nguồn” Cuốn sách: “Chuyện kể về Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh yêu quý! Khi sống trong hòa bình chúng ta phải trân trọng những gì mà ông cha ta đi trước đã hy sinh quên mình để giữ nền độc lập cho chúng ta ngày nay. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các con học sinh cuốn sách được mang tên “Chuyện kể về Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”.
Cuốn sách do tác giả Hoài Lộc viết; Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2021; sách có 41 trang; khổ sách 26 cm. Trong những ngày chiến tranh chống Mĩ ác liệt nhất, có một cung đường đầy hiểm nguy mà người ta gọi đó là Tọa độ chết. Tọa độ chết ấy chính là Ngã ba Đồng Lộc – nằm trên đường Trường Sơn thuộc địa phận xã Đồng Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh. Mảnh đất này, ngày 24/7/1968 đã ôm vào lòng mười cô gái thuộc tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ đường 15A. Tất cả các chị đều còn rất trẻ. Và sự hy sinh anh dũng của các chị là tấm gương sáng mãi với bao thế hệ người Việt Nam ta. Nhà thơ Phạm Tiến Duật – một nhà thơ có nhiều gắn bó với
những nẻo đường trong cuộc kháng chiến chống Mĩ – có bài thơ viết về những cô gái thanh niên xung phong như một bức tranh khắc ghi vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt: Bụi mù trời mùa hanh Nước trắng khe mùa lũ Đêm rộng, đêm dài là đêm không ngủ Em vẫn đi, đường vẫn liền đường. (Gửi em cô gái thanh niên xung phong – 1968) Trong đạn lửa của chiến tranh, hình ảnh cô gái thanh niên xung phong hiện lên qua lời thơ thật đẹp đẽ, can trường. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong thung lũng hình tam giác, hai bên là núi trọc không một bóng cây, ở giữa là con đường độc đạo. Tất cả mọi cung đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua huyết mạch này. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng của con đường này, mà máy bay Mĩ ngày đêm quần đảo, cắt bom hết đợt nọ qua đợt kia, nhằm ngăn cản sự chi viện của miền Bắc tới chiến trường miền Nam. Thống kê ước tính, trong vòng 240 ngày (kể từ tháng 3/1968), không quân Mĩ đã dội xuống mảnh đất này 48.600 quả bom các loại. Từng thước đất của Ngã ba Đồng Lộc bị cày xới biến dạng thành các hố bom loang lổ. Muốn biết các cô gái sống và chiến đấu gian khổ thế nào? Các cô có họ tên là gì? mời thầy cô và các con học sinh tìm đọc từ trang 4 đến trang 21. Chiến tranh tàn ác đã cướp đi sinh mạng của biết bao người con đất Việt khi tuổi mới mười tám, đôi mươi. Chúng đã gieo rắt đau thương để người dân Việt Nam phải hứng chịu cảnh cha mẹ mất con, vợ mất chồng. Mời thầy cô cùng các con đọc từ trang 33 đến trang 40. Để ghi nhớ chiến công của mười cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, ngày 27/6/1972, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho tiểu đội Mười cô gái. Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hàng năm, rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế về đây thắp hương tưởng nhớ các chị, bên cạnh các đồng chí cũ của các chị có cả những cựu chiến binh Mĩ – những người đã luôn day dứt vì tội ác của mình đối với nhân dân Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc sống và chiến đấu ra sao? Tôi xin mời quý thầy cô cùng các con học sinh đến thư viện nhà trường tìm đọc cuốn sách này nhé. Sách được mang mã STK – 003228. Buổi giới thiệu sách của trường Tiểu học Thanh Cao đến đây là hết. Tôi xin hẹn gặp lại quý thầy cô cùng các con học sinh vào buổi giới thiệu sách lần sau!