Bài giới thiệu sách Tháng 4/2024

Thứ ba - 02/04/2024 14:26
Trong những ngày tháng 4 lịch sử chúng ta hướng về 30/4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thư viện Trường Tiểu học Thanh Cao xin gửi tới quý độc giả cuốn sách mang tên: Kể chuyện lịch sử Việt Nam tập II (Từ năm 1858 đến năm 1975) do nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào quý I năm 2016; Tác giả viết của cuốn sách là Thạc sĩ Trương Ngọc Thơi (Nguyên giáo viên Chuyên Sử Trường chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi); Sách gồm 221 trang trên khổ giấy 17 x 24 cm. Cuốn sách bao gồm những câu chuyện lịch sử có thật ở Việt Nam hay và bổ ích từ năm 1858 đến năm 1975. Cuốn sách hứa hẹn sẽ tạo cho các em có một nguồn động lực sống, nêu cao tinh thần yêu nước và thúc đẩy toàn xã hội chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài giới thiệu sách Tháng 4/2024
 Thư viện trường Tiểu học Thanh Cao

Thanh Cao, ngày 2 tháng 4 năm 2024
Bài giới thiệu sách tháng 4
Chủ đề: “Em yêu lịch sử”
Cuốn sách: “Kể chuyện lịch sử Việt Nam tập II – Từ năm 1858 - 1975

 Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh yêu quý!
Lịch sử Việt Nam có hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Với ý chí bất khuất, quật cường, ông cha ta đã viết lên những trang lịch sử hào hùng cho dân tộc, cho Tổ quốc. Dòng lịch sử ấy đã tạo dựng truyền thống tốt đẹp cho dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta. Bác Hồ đã từng nói.
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
 
          Cuốn sách Kể chuyện lịch sử Việt Nam tập II (Từ năm 1858 đến năm 1975) do nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào quý I năm 2016; Tác giả viết của cuốn sách là Thạc sĩ Trương Ngọc Thơi (Nguyên giáo viên Chuyên Sử Trường chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi); Sách gồm 221 trang trên khổ giấy 17 x 24 cm.
       Sách được viết gồm 3 phần:
Phần 1: Sự kiện và nhân vật lịch sử Việt Nam thời kì từ năm 1858 đến cuối thế kỉ XIX.
Phần II: Sự kiện và nhân vật lịch sử Việt Nam thời kì cuối thế kỉ XIX dến năm 1945.
Phần III: Sự kiện và nhân vật lịch sử Việt Nam thời kì từ năm 1945 đến năm 1975.
        Xin mời thầy cô cùng các co học sinh đi tìm hiểu nội dung từng phần của cuốn sách này nhé.
 

Trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, ở mỗi giai đoạn lịch sử, dân tộc Việt Nam đã làm rạng rỡ thêm những bài học quý giá của quá khứ, biến chúng thành những nhân tố góp phần chiến thắng cho cuộc đấu tranh hiện tại và mở ra triển vọng tươi sáng cho tương lai. Và ở đó, chứa đựng một kho tàng kiến thức quý giá được vun đắp bởi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; bởi những kinh nghiệm sống đã được trải nghiệm và chứng minh qua thực tiễn.
Đây là những kiến thức không thể thiếu đối với mỗi người Việt Nam, để từ đó mỗi người xây dựng cho mình bản lĩnh Việt Nam khi nhập vào dòng chảy của lịch sử thế giới, nhất là trong thời kì hội nhập quốc tế, tìm hiểu lịch sử dân tộc, do đó, vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam có thể tự tin hơn nữa khi đối diện với bạn bè thế giới bằng một bản sắc dân tộc truyền thống đầy tự hào.
Sau đây tôi xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng các con học sinh một số anh hùng trong lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945.
Trần Phú (1904 – 1931)
Ông sinh ngày 1 – 5 – 1904, tại huyện lị Đức Phổ (Quảng Ngãi), nguyên quán ở làng Tùng Ảnh, xã Đức Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (một xã nằm dưới chân núi Linh Cảm nhìn xuống bến Tam Soa).
          Cha Trần Phú là ông Trần Văn Phổ, một nhà Nho, thi Hương đỗ Giải nguyên được bổ làm Tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Tuy làm quan nhưng ông vẫn giữ được đức tính khẳng khái, thanh liêm của một nhà Nho yêu nước. Ông căm ghét bọn thực dân Pháp nhưng ông lại không tìm ra được lối thoát. Tháng 3 - 1908, ông đã dùng cái chết để chống lại hành động bạo ngược của thực dân Pháp. Cái chết đầy dũng khí của người cha kết thúc một cuộc đời bế tắc, nhưng lại hé mở cho Trần Phú một suy nghĩ mới, đó là phải tìm một hướng đi đúng đắn để tránh tình trạng phải chết uất ức như cha ông.
          Sau khi cha mẹ qua đời, nhờ có bà con họ hàng giúp đỡ. Trần Phú được học trường Quốc học Huế. Trần Phú học rất giỏi và có phương pháp học tập tốt. Sự khác nhau ấy thể hiện ở những nhân sinh quan khác nhau. Ông học tập có nghiên cứu, có suy nghĩ là để phục vụ cho cuộc đấu tranh thay đổi số phận của dân tộc Việt Nam.
          Trong những năm học ở Huế, Trần Phú dành nhiều thời gian để đọc sách báo tiến bộ, từ đó trong lòng ông luôn bùng lên ngọn lửa căm hờn bọn đế quốc và thực dân, giải phóng nhân dân lao động khỏi số phận bị áp bức và bất công.
          Năm 1922 sau khi thi đỗ Thành Chung, Trần Phú về dạy học tại trường Cao Xuân Dục ở Vinh. Trong thời gian này, đồng chí có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, lại được tiếp xúc với những tờ báo yêu nước như: “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú đã tham gia hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước như Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam rồi đổi tên Việt Nam cách mạng Đảng). Cũng trong thời gian này đồng chí thường về thăm quê, vừa ẩn danh hoạt động cách mạng.
          Năm 1926, đồng chí là một trong những thành viên của tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng cử sang Quảng Châu tìm gặp Nguyễn Ái Quốc và được Nguyễn Ái Quốc cử đi học tại trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Năm 1928, ông tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI. Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, ông về nước và dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10- 1930), đồng chí đã trình bày bản Luận cương chính trị, được Hội nghị thảo luận nhất trí thông qua.
          Tuổi 26 (1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, sau đó vào Sài Gòn tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Giữa lúc phong trào dâng lên, thì đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn dã man của kẻ thù, và bệnh tật ngày càng nặng, đồng chí đã từ trần ở tuổi 27 (1931). Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
          Ngoài đồng chí Trần Phú còn có rất nhiều đồng chí hoạt động cách mạng đã anh dũng hy sinh như:
Trịnh Văn Cấn (? – 1918)
Lương Ngọc Quyến (1885 – 1917)
Thái Phiên (1882 – 1916)
Lương Văn Can (1854 – 1927)
Nguyễn Quyền (1869 – 1941)…
          Và còn rất nhiều, rất nhiều đồng chí hoạt động cách mạng đã anh dũng hy sinh để lấy lại nền độc lập tự do ngày hôm nay.
          Xin mời quý thầy cô cùng các con học sinh đi tìm hiểu phần tiếp theo của cuốn sách từ trang 189 đến 221 gồm 13 phụ lục. Mỗi phụ lục là một căn cứ cách mạng, một di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
          Để hiểu rõ hơn về tinh thần chiến đấu, ý chí quật cường, lòng dũng cảm của lớp lớp ông cha đi trước không ngại gian khổ, hy sinh xương máu, xây dựng nền độc lập cho chúng ta ngày hôm nay. Xin mời quý thầy cô cùng các con học sinh đến thư viện trường ta tìm đọc cuốn sách  Kể chuyện lịch sử Việt Nam tập II (Từ năm 1858 đến năm 1975). Sách được mang mã thư viện STK – 003528.

         
Cán bộ thư viện


Đào Thị Oanh Yến
T/M nhà trường


Nguyễn Thị Cúc





 ​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây