Bài giới thiệu sách tháng 02/2023

Thứ hai - 06/02/2023 09:41
“Sử ta”, đó là cách nói của Bác Hồ trong câu thơ nổi tiếng:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Và đó chính là nội dung chính mà hôm nay thư viện Trường TH Thanh Cao muốn truyền đạt đến quý vị độc giả thông qua bài giới thiệu sách tháng 02/2023.
Bài giới thiệu sách tháng 02/2023
Thư viện trường Tiểu học Thanh Cao
Thứ hai ngày 6 tháng 02 năm 2023
Bài giới thiệu sách tháng hai năm 2023
Chủ đề: Em yêu Tổ quốc Việt Nam
Tên sách: Sử ta chuyện xưa kể lại (tập 1)
          
      Cuốn sách mà thư viện trường Tiểu học Thanh Cao muốn giới thiệu đến quý thầy cô cùng các con học sinh ngày hôm nay, là cuốn sách được mang tên Sử ta chuyện xưa kể lại (tập 1). Của các tác giả Nguyễn Huy Thắng; Nguyễn Như Mai; Nguyễn Quốc Tín sưu tầm và viết. Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành (tái bản lần thứ 2) năm 2013. Gồm 211 trang; khổ sách 14,5cm x 20,5 cm. Sách có mã ST – 1600.
        Với mỗi trang sử là một câu chuyện về đời trước, mỗi nhân vật là một đại diện tiêu biểu của đất nước thuộc các thời kì, qua đó bạn có thể cảm nhận được niềm vui, sự tự hào về tổ tiên, nỗi đau đớn , xót xa trước những tai họa của đất
nước và cho mai sau.
          Sau đây tôi xin mời các thầy cô cùng các con học đi tìm hiểu từng phần nội dung của cuốn sách nhé.
          Ngay phần đầu, chúng ta độc khởi nguồn của dân tộc Việt Nam là sự tích Con Rồng, cháu Tiên. Người con cả của mẹ Âu Cơ được tôn là vị vua đầu tiên trên dải đất Việt của chúng ta ngày nay. Tên nước thời ấy gọi là Văn Lang. Vua Hùng đi khắp nơi tìm chốn lập kinh đô. Muốn biết vua lập kinh đô ở đâu? Mời thầy cô cùng các con mở trang 11 nhé. An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào khi nào? chúng ta tìm hiểu trang 63.
          Vua Hùng thứ Mười tám mải mê hưởng lạc, dân tình đói khổ, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Thục Phán có công đánh giặc Tần, trở thành thủ lĩnh liên minh các bộ tộc ở miền núi phía Bắc Văn Lang, xây dựng nhà nước Âu Việt. Nhân cơ hội Văn Lang suy yếu, Thục Phán đem quân đến thôn tính. Quân lính vua Hùng chưa đánh đã tan, Thục Phán chiếm được kinh đô Văn Lang.
Thục Phán lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương, kết hợp hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt thành nước Âu Lạc. Nhà vua thấy kinh đô cũ của vua Hùng đóng ở vùng trung du, đất đai nhỏ hẹp, khó bề phát triển, bèn dời đô từ Văn Lang (Phong Châu) về vùng đất cao ven sông Hồng. Thành Cổ Loa là một tòa thành kì vĩ được xây dựng từ năm 208 trước CN. “Tổng công trình sư” chính là tướng quân Cao Lỗ, người có công phò tá Thục Phán dựng nghiệp. Sách sử thời Đường mô tả: “An Dương Vương cai trị đất Giao Chỉ, xây thành có 9 vòng, chu vi 9 dặm, sĩ thứ đông đúc”. Nhà Đường gọi thành ấy là Côn Lôn thành. Trải qua hơn hai nghìn năm đến nay thành Cổ Loa vẫn để lại di tích ba vòng thành tường đất khép kín, được dân gian gọi là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại.
          Chuyện nỏ thần không hẳn là hoang đường. Thục Phán vốn đại diện cho tộc dân miền núi, có tài săn bắn bằng nỏ. Sau khi hợp nhất hai bộ tộc, nhà Thục lại tiếp nhận được kĩ thuật đúc đồng của người Lạc Việt. Nhờ có kĩ thuật này, Cao Lỗ đã cho đúc hàng vạn mũi tên đồng có móc nhọn, dùng lẫy nỏ có thể bắn ra nhiều mũi tên một lúc, gọi là nỏ thần liên châu.
          An Dương Vương là vị vua có công hợp nhất các bộ tộc Việt miền núi và miền xuôi, mở mang đất nước tiến sâu xuống đồng bằng sông Hồng, mở mang khai khẩn nơi đây thành cái nôi của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Dời kinh đô từ Phong Châu về Cổ Loa là cuộc thiên đô lớn đầu tiên, đánh dấu bước phát triển có tính đột phá trong lịch sử dân tộc. Tiếc rằng triều đại của vua Thục chỉ kéo dài khoảng 50 năm thì để mất nước. Câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy (Bi kịch tình yêu trong bi kịch đất nước). Vậy câu chuyện diễn biến ra sao?  Triệu Đà thành lập nước Nam Việt như thế nào? Mời thầy cô cùng các con tìm đọc từ trang 73 đến trang 76.
          Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào sáng ngày mồng 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40 sau CN). Trưng Trắc, Trưng Nhị phát lệnh khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lan ra nhanh chóng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trưng Trắc,Trưng Nhị đánh chiếm hàng chục đồn trại của bọn đô hộ Hán, chiếm huyện thành Mê Linh, rồi kéo quân về đánh thành Luy Lâu. Chỉ trong vòng ba tháng Trưng Trắc và Trưng Nhị đã thu được sáu mươi lăm thành ấp trong cả nước. Mọi người gọi hai vị chủ tướng là Hai Bà mặc dù khi ấy Trưng Trắc và Trưng Nhị mới hai mươi bốn tuổi. Cuối mùa xuân năm ấy tại thành Mê Linh Trưng Trắc được mọi người suy tôn lên làm vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương. Cuộc khởi nghĩa của Hai bà duy trì đến năm 43 thì bị danh tướng nhà Hán lập mưu đánh bại. Để khỏi sa vào tay giặc Hai bà nhảy xuống sông Cẩm Khê tuẫn tiết.
          Muốn biết chữ viết và sách vở của nước ta được Sĩ Nhiếp đưa vào nước ta từ khi nào? mời thầy cô cùng các con học sinh tìm đọc từ trang 101 đến trang 104.
          “Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng” là ai? Mời các chúng ta tìm đọc từ trang 105 đến trang 109 nhé.
          Chúng ta đến với một triều đại tiếp theo đó là Lí Nam Đế và nhà nước Vạn Xuân. Lí Nam Đế tên thật là Lí Bí (còn gọi là Lí Bôn). Ông sinh năm 503 tại làng Thái Bình, phủ Long Hưng (khoảng giữa Thạch Thất và thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội ngày nay). Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, cha là tù trưởng bộ lạc, khi Lí Bí 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi mẹ lại qua đời. Cậu được người chú đón về nuôi dưỡng. Được thiền sư hết lòng dạy bảo, lại thông minh chăm chỉ nên sau hơn 10 năm đèn sách, Lí Bí trở thành người có thiên sư lỗi lạc, văn võ song toàn. Chàng được mọi người quý mến, tin theo, tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Tháng 1 năm 542, chú tiểu năm nào đứng lên phất cờ đại nghĩa, xuống hịch kêu gọi mọi người cùng nhau đánh giặc. Không đầy ba tháng, Lí Bí chiếm được hầu hết các quận, huyện. Cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi đã lật đổ ách đô hộ gần 500 năm của Bắc triều.
          Tháng Hai năm Giáp Tí (544), Lí Bí lên ngôi, xưng là Lí Nam Đế, lấy niên hiệu Thiên Đức và đặt tên nước là Vạn Xuân. Như vậy ngay từ thế kỉ 6, lần đầu tiên miền đất Hà Nội được chọn làm nơi dựng đô của nước Việt ta, để rồi gần năm thế kỉ sau, một người họ Lí khác – Lí Thái Tổ chính thức xây dựng kinh thành Thăng Long cho “mãi muôn đời”, đúng như lời Chiếu dời đô của ông.
          Muốn biết Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ nhất như thế nào? Xin mời các thầy cô cùng các con học sinh tìm đọc từ trang 147 đến trang 153 nhé.
          Ai là người dẹp dẹp loạn 12 sứ quân mời thầy cô cùng các con tìm đọc từ trang 154 đến trang 169.
          Vị hoàng hậu của hai vua Đinh Bộ Lĩnh và vua Lê Hoàn là ai? Bà có công như thế nào với đát nước mời thầy cô cùng các con học sinh tìm đọc trang 181 đến trang186.
          Nhà Tiền Lê kết thúc trải qua ba đời vua. Lê Hoàn lên ngôi lấy hiệu là Thiên Phúc. Ông sinh năm 941, vốn xuất thân là một đứa trẻ nhà nghèo, mồ côi từ sớm phải làm con nuôi một người cùng họ. Nhờ có ý chí, tài năng và đức độ hơn người, ông đã vươn lên thành một tướng giỏi của Đinh Tiên Hoàng, rồi được lịch sử giao cho một trách nhiệm lớn lao mà ông đã đảm nhận một cách xứng đáng. Ông lên ngôi mở ra triều Tiền Lê, lập được nhiều công lớn với đất nước, đời sau thường gọi là Lê Đại Hành. Vị vua khai sáng triều Tiền Lê mất năm 1005 tại Hoa Lư sau 25 năm trị vì, thọ 64 tuổi. Hai tư năm ấy là một thời thịnh trị của Đại Cồ Việt.
Vị vua thứ hai của triều Tiền Lê là Lê Long Việt lên ngôi, tức Lê Trung Tông. Để chấn chỉnh lại triều đình, trước hết ông xét công tội để thưởng phạt. Tội thoán đoạt là phải chếm đầu, nhưng ông không nỡ giết người em cùng cha khác mẹ là Long Đĩnh đã dấy quân khởi loạn. Nhưng chỉ ba ngày sau, chính Long Đĩnh sai người trèo tường lẻn vào cung sát hại vua anh, khi đó mới 22 tuổi.
Long Đĩnh tự lập làm vua quân thần nhiều người không phục. Long Đĩnh mất năm 1009 vì bệnh tật. Sống 24 năm, làm vua được 4 năm. Khi Lê Long Đĩnh mất triều đình định đưa con trai ông là Sạ còn bé lên ngôi. Dưới sự dàn dựng của quan Chi hậu Đào Cam Mộc, triều thần đã tôn Lí Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.
Nhà Tiền Lê kết thúc tồn tại 29 năm. Lí Công Uẩn đặt thụy hiệu cho Lê Long Đĩnh là Lê Ngọa Triều Hoàng đế.
          Trên đây, thư viện Trường tiểu học Thanh Cao vừa giới thiệu tới thầy giáo, cô giáo cùng các con học sinh cuốn sách viết về lịch sử của chúng ta. Để có thêm vốn hiểu biết về lịch sử nước nhà, mời quý thầy cô cùng các con học sinh đến thư viện nhà trường tìm đọc cuốn sách Sử ta chuyện xưa kể lại. Cuốn sách được mang mã ST – 1600.
          Buổi giới thiệu sách của thư viện trường tiểu học Thanh Cao đến đây là hết. Xin hẹn gặp lại quý thầy, cô cùng các con học sinh vào buổi giới thiệu sách lần sau!
 
         Cán bộ thư viện



       Đào Thị Oanh Yến
                                       T/M nhà trường



                                          Lê Quốc Bảo

         
         
 










 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây