Tại Việt Nam 2 bệnh phổ biến, lưu hành quanh năm là tay chân miệng và sốt xuất huyết. Do đó các trường tổng vệ sinh môi trường định kỳ hằng tuần khu vực trong và xung quanh trường học nhằm (loại bỏ ổ nước đọng, vật dụng phế thải có thể chứa nước); đậy kín nắp bồn nước sinh hoạt; thả cá bảy màu vào các hồ nước trong khuôn viên trường học (nếu có) và thay nước hằng tuần các bình hoa. Bố trí cho các cháu ngủ mùng vào buổi trưa, đối với các lớp bán trú. Lồng ghép truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết vào nội dung sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, họp phụ huynh đầu năm học để vận động học sinh, phụ huynh thực hiện tại gia đình. Khi xảy ra ổ dịch trong trường học, nhà trường cần phối hợp y tế xử lý diệt lăng quăng, kết hợp phun hóa chất diệt muỗi 2 lần, cách 7-10 ngày.
Ðối với bệnh tay chân miệng, bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước, đồ chơi, phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, y tế trường học và giáo viên cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe học sinh khi nhận trẻ vào lớp, nếu phát hiện các trường hợp sốt, ho, phát ban, mụn nước… phải kịp thời báo Ban Giám hiệu trường và y tế địa phương. Trẻ bệnh phải được cách ly, nghỉ tại nhà khi có biểu hiện sốt, loét miệng hoặc nổi bóng nước (điển hình của bệnh tay chân miệng). Hằng tuần, tổ chức làm sạch bề mặt và khử trùng các dụng cụ nhiễm bẩn, chất tiết và bài tiết của ca bệnh bằng dung dịch Chloramin B hoặc các dung dịch khử trùng khác. Nhà trường liên hệ trạm y tế trên địa bàn để nhận hóa chất khử khuẩn. Phòng bệnh bằng cách đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn đủ chất; giáo viên, bảo mẫu và bé giữ bàn tay sạch.
Nhà trường duy trì hoạt động rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng cho học sinh, giáo viên. Bố trí bồn rửa tay với số lượng phù hợp, nơi rửa tay thuận tiện, cung cấp đầy đủ xà phòng, nước sạch. Thực hiện vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch trước khi sử dụng. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn thông thường đối với các khu vực trong trường học, đặc biệt bề mặt mà học sinh thường tiếp xúc... Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng hằng tuần hoặc khi cần thiết.
Thực hiện 3 sạch “ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch” để phòng bệnh trong trường học. Ban Giám hiệu nhà trường cần phân công nhân viên chịu trách nhiệm cụ thể các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tự tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện hằng tuần. Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo phối hợp trung tâm y tế quận, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục.
Tác giả: Tiểu học Thanh Cao
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn