GIỮ ẤM CƠ THỂ TRONG NHỮNG NGÀY RÉT ĐẬM

Thứ hai - 16/12/2024 15:02
Miền Bắc đang trải qua đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông năm 2024. Khu vực Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại; nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh phổ biến từ 14-17 độ C, vùng núi 11-13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C. Khu vực Bắc Trung Bộ trời rét; nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 15-18 độ C. Thời tiết lạnh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ em
GIỮ ẤM CƠ THỂ TRONG NHỮNG NGÀY RÉT ĐẬM
Trong những ngày rét đậm, nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, mặc nhiều lớp áo để giữ ấm, tránh uống đồ lạnh, đồ uống có cồn, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ… là những cách nên làm để giữ ấm khi trời lạnh.

Nguyên tắc đúng là mặc nhiều lớp, mỏng tốt hơn dày, do các lớp quần áo sẽ giúp gió lạnh không thể luồn vào cơ thể. Không nên mặc quá kín hay áo quá dày sẽ gây khó thở, khó vận động, giảm thân nhiệt. Ví dụ, nên chọn một đến hai áo mỏng giữ nhiệt bên trong, một lớp áo phao hoặc áo gió bên ngoài.

Với trẻ nhỏ, việc mặc quần áo nhiều lớp còn có tác dụng dễ cởi khi bé toát mồ hôi do chơi đùa hoặc nằm ngủ. Ngoài ra, trẻ cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng điều kiện thời tiết. Bố mẹ cần trang bị đầy đủ mũ, găng tay, tất để giữ ấm, nhất là phần đầu, tai, tay, chân - là những bộ phận cơ thể thường xuyên tiếp xúc trực tiếp không khí. Nếu trời mưa, ẩm ướt, chọn đôi găng chống thấm nước. Có thể dự trữ thêm cho trẻ một vài loại giày, dép chống ngấm nước.

Người đi xe máy cần chú ý giữ ấm vì gió thổi trực tiếp vào cơ thể, nên bịt tai bằng khăn, mũ len để giảm cảm giác buốt. Phần cổ và gáy cần che kín bằng khăn ấm hoặc áo cổ cao. Người làm việc ngoài trời cần mặc đủ ấm để không bị nhiễm lạnh. Người già, người có bệnh nền không nên ra khỏi nhà lúc sáng sớm, tránh nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp.
 

Trong thời tiết lạnh, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Không tắm hoặc ngâm mình quá lâu trong nước nóng. Không tắm lúc muộn hoặc sáng sớm dễ dẫn đến đột quỵ. Dọn dẹp nhà cửa và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng (cốc chén, bát đũa...), nhất là khi có người ốm trong gia đình.

Khi ở nhà, nên duy trì nhiệt độ phòng 25-28 độ C, tránh có gió lùa, không đóng cửa kín mít vì sợ lạnh. Không nên để nhiệt độ phòng quá ấm, dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời lạnh. Có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi. Tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO có thể gây độc, ngạt. Không nên dùng tinh dầu thoa lên da trẻ để phòng bệnh hô hấp do làn da trẻ rất nhạy cảm, có thể bị rộp, kích ứng, dị ứng.

Gia đình đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng, đủ chất bao gồm thực phẩm chứa nhiều tinh bột, giàu protein, chất béo từ các loại hạt, đậu, trứng, cá, thịt lợn nạc, thịt gà, thịt bò, sữa ít chất béo, rau quả tươi... Uống nhiều nước, hạn chế chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, đồ ăn cay nóng.

Khi ra ngoài, bạn có thể ăn uống các thực phẩm nóng để giảm cảm giác lạnh hoặc ngậm kẹo gừng, uống trà. Nếu bị viêm họng, khó chịu có thể uống hỗn hợp mật ong, cam thảo để cải thiện triệu chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây