Thực hiện mục tiêu kép
Nhìn lại năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Năm học diễn ra trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành giáo dục cả nước đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5.
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.
Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006. Đó là học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường kiến thức ở học kỳ 2. Đây là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân nhà giáo, học sinh, phụ huynh, và tập thể nhà trường, các địa phương, cũng như toàn ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, sách giáo khoa lớp 1 của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.
Tuy nhiên, dù đạt được kết quả tích cực, song Bộ GD&ĐT cũng nêu ra những hạn chế của bậc học này. Trong đó, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Một số địa phương dù đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên; có nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.
Thời gian phục hồi sẽ rất dài với nền giáo dục bị tổn thương
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, năm học mới diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường. Cần phải nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội, ý thức đầy đủ những khó khăn và thách thức.
“Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. Đồng thời ông Sơn cũng nhấn mạnh cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến ngành giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mọi sự điều chỉnh linh hoạt của ngành giáo dục nhằm thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn nhưng không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục.
Trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là bậc tiểu học. Thách thức riêng có thể nhìn thấy ở bậc tiểu học là những hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong tương tác học tập trực tuyến… Bậc học này còn có số lượng trường, điểm trường lớn, phân tán, cơ sở vật chất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, những biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế của các gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, dẫn tới nguy cơ trẻ em không đến trường, bỏ học… cũng sẽ là thách thức cho bậc học tiểu học trong năm học mới.
Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, cần phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên. Các địa phương triển khai kế hoạch sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp. Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học.
Với năm học mới 2021-2022, Vụ Giáo dục Tiểu học phải ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản cho bậc tiểu học theo hình thức trực tiếp nếu có thể.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn