Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021) NGHĨ VỀ NGƯỜI THẦY THỜI HIỆN ĐẠI

Thứ năm - 18/11/2021 15:45
Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên”, một phương ngôn tuy cũ nay còn nhắc lại “Tiên học lễ, hậu học văn”... Đến thời đại Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021) NGHĨ VỀ NGƯỜI THẦY THỜI HIỆN ĐẠI
Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vai trò của người thầy và ơn sâu nghĩa nặng đối với thầy cô đã được dành riêng một vị trí xứng đáng trong trái tim của người học trò đang học cũng như đã tốt nghiệp ra trường. Mối quan hệ thầy trò đã có từ mấy nghìn năm nay, có thể kể từ thời đại Hùng Vương dựng nước.
Suốt mấy nghìn năm lịch sử trôi qua đã để lại biết bao tấm gương sáng của các thầy cô giáo. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, thầy cô giáo đã hết lòng dạy bảo học trò, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong mối quan hệ thầy trò kể ra cũng cần nhắc lại chuyện ngày xưa. Ngày ấy học trò tự nguyện đến với thầy để thọ giáo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, thầy trò cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, sát cánh bên nhau. Trong hòa bình xây dựng đất nước, thầy trò thi đua “dạy tốt, học tốt”.
Đã có biết bao câu chuyện cảm động, biết bao bài thơ, bản nhạc... ca ngợi những vẻ đẹp bình dị ẩn chứa trong các nhà giáo ngày càng thầm lặng làm cái việc trồng người, nâng cao dân trí. Có những thầy giáo làng dạy cấp I từ tuổi thanh niên, nay đã xấp xỉ thất thập cũng không muốn bỏ lớp xa các cháu, bởi vì càng dạy càng có nhiều người tin yêu gởi con cháu nhờ thấy nắn dạy những nét chữ nét người đầu tiên. Có những nghệ sĩ, bà giáo về hưu tìm thú vui trong việc tập hợp trẻ em lang thang vào những lớp học tình thương, vừa cưu mang về vật chất, vừa dạy học và hướng dẫn các em vượt qua những nỗi bất hạnh thương đau. Nhiều thầy cô giáo vừa đầy lòng nhân ái, vừa có kiến thức siêu việt, dìu dắt những học trò của mình đủ sức chiếm lĩnh đỉnh cao trong các kỳ thi quốc tế đem vinh quang về cho Tổ quốc... Biết bao kỹ sư tâm hồn đang thầm lặng góp từng viên gạch của mình xây dựng nền giáo dục Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh.
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trở thành ngày hội “tôn vinh người thầy” của toàn dân. Vào ngày này, trên khắp mọi miền từ Bắc đến Nam, các em học sinh, sinh viên lại cùng nhau mang hoa, quà đến chúc mừng các thầy cô giáo, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công dạy dỗ mình, trong đó có không ít người đã trưởng thành. Thật là cảm động khi được chứng kiến những cuộc sum họp và quan hệ thầy trò trong tình cảm thân thương.
Quan hệ thầy trò vốn là mối quan hệ cao cả, thiêng liêng. Người xưa đã nói “trọng thầy mới được làm thầy”, “không thầy đố mày làm nên”. Đầu năm có ba ngày Tết, đã dành một ngày là Tết thầy. Người thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn định hướng về đạo đức, lối sống, do vậy cả những bậc phụ huynh cao tuổi cũng đến tìm thầy để tri ân. Quan hệ thầy trò ở Việt Nam dù có những nét quan niệm khác biệt giữa thời kỳ phong kiến và thời hiện đại ngày nay, song nói chung quan hệ thầy trò là quan hệ tốt đẹp; truyền thống “tôn sư trọng đạo” trở thành một trong những nét đáng quý của dân tộc và văn hóa Việt Nam.
Ngày 20/11, ai cũng dành chút tấm lòng nhớ lại những gương mặt thầy, cô thân thương và những ký ức đẹp hiện về: Nhớ lắm thầy cô, nhớ một thuở đèn sách, nhớ lắm… để thấy cổ nhân nói đúng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tức là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Và để thấy rằng đất nước ta có ngày hôm nay, có sự tăng trưởng GDP mỗi năm, có của ăn, của để, có sự phát triển vượt bậc của đất nước, dân giàu, nước mạnh, mặc dù năm 2021 cả nước bị ảnh hưởng của cơn đại dịch Covid-19 năng nề nhưng GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 2,5-3%…, trước tiên là nhờ các nhà giáo, những người thầm lặng đóng góp “GDP tri thức” cho đất nước.
Hòa cùng với những niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm biết ơn trân trọng của các thế hệ học trò, các nhà giáo không thể không nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, lớp người sẽ gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Phát huy truyền thống cao đẹp, những năm qua đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước đã dấy lên phong trào thi đua Hai tốt là dạy tốt và học tốt; khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “vì lợi ích trăm năm trồng người” mà Ðảng và nhân dân tin yêu giao phó. Nhiều nhà giáo đã tâm huyết, tận tụy với nghề; nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã không ngại khó khăn; thậm chí hy sinh cả tính mạng để bám trường, bám lớp; duy trì việc giảng dạy và học tập. Xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn các thầy giáo, cô giáo; những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình; góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Song, một trong nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay mà xã hội băn khoăn là chương trình giáo dục còn quá nặng nề; cách truyền tải kiến thức mặc dù đã có nhiều cải tiến, đổi mới, nhưng nhìn chung chưa khơi dậy ý thức tự chủ, sáng tạo và bồi đắp trí thông minh cho người học. Mặt khác, nhiều người đã đẩy mối quan hệ thầy trò thiêng liêng vốn không thể đo đếm được vào những nấc thang tính toán. Không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đúng là có những trường hợp người được phân công đứng trên bục giảng hoặc công tác trong ngành giáo dục chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo. Các lớp học thêm mở tràn lan. Đồng thời, do tác động của kinh tế thị trường, do sự xuống cấp về đạo đức nói chung, đạo thầy trò gần đây có bị sút giảm, không còn thiêng liêng như trước. Ðó đây có những hiện tượng đau lòng về quan hệ thầy trò, trong đó có người không giữ được đạo làm thầy, dẫn đến sự gia tăng những biểu hiện suy thoái đạo đức, vi phạm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành giáo dục đang phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao đẹp là tham gia tích cực sự nghiệp “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng ước vọng nấu nung của Bác Hồ ghi trong thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (tháng 9/1945) “Non sông Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, điều đó phụ thuộc vào công lao học tập của các cháu”. Những lời tâm huyết ấy của Bác càng nhắc nhở đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần đề cao trách nhiệm làm gương, ý chí vượt lên mọi khó khăn và sự cám dỗ vật chất đời thường, không ngừng bồi dưỡng ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu” - cội nguồn nảy sinh sự tâm huyết, sáng tạo trong chuẩn bị từng trang giáo án cũng như khi đứng trên bục giảng.
Trước yêu cầu đổi mới, Đảng ta, nhân dân ta gửi gắm tin yêu và hy vọng vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cần nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu cùng với toàn xã hội, góp sức tích cực và có hiệu quả vào mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng đã đề ra.
Tôn vinh sự nghiệp cao quý của người thầy “thời hiện đại” không chỉ trong ngày Nhà giáo Việt Nam, không chỉ thể hiện trong những bó hoa tươi thắm, mà cần phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, góp phần cùng xã hội chăm lo với ngành giáo dục để việc dạy tốt, học tốt ngày càng phát huy hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân tài, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Th.s Nguyễn Thanh Hoàng
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây