LỜI NÓI ĐẦU Từ bao đời nay biển, đảo đã gắn bó mật thiết với người Việt, đặc biệt trong thời đại ngày nay biển đảo là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ đất nước, chủ quyền Quốc gia. Biển Đông là cách gọi của người Việt mang hàm nghĩa là biển nằm ở phía Đông đất nước. Đây là một biển rìa Tây Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 và là một trong những biển lớn nhất trên thế giới với 90% chu vi được bao bọc bởi đất liền. Có 9 nước tiếp giáp với biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Brunaay, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và 3 vùng lãnh thổ là Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Nằm trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới liên quan đến biển Đông gồm: Tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy – ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; Tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Trên biển Đông có nhiều đảo và quần đảo có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với vị trí nằm ở trung tâm biển Đông. Có thể nói hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đóng vai trò cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị mà cả an ninh – quốc phòng. Đó là cầu nối vươn ra biển cả, là điểm tựa khai thác các nguồn lợi biển, là những điểm tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc, đúng như hai câu thơ trong bài thơ “Cự Ngao Đới Sơn” thuộc “Bạch Vân Am thi tập” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Vạn lý Đông minh quy bà ác, Ức niên Nam cực điện long bình. Nghĩa là: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình. Tuy nhiên mấy thập kỷ qua, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa lại là những điểm nóng về các yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven biển, làm cho việc xác lập chủ quyền, quản lý, bảo vệ biển, đảo trở nên phức tạp. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chúng ta luôn nhớ rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối của Việt Nam trên mọi phương diện lịch sử, chính trị, pháp lý. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước cũng như góp phần quan trọng trong giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Sau đây mời quý thầy cô cùng các con học sinh tìm hiểu một số cuốn sách trong thư mục mà tôi giới thiệu ngày hôm nay nói về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Cuốn 1 Tổ quốc nơi đầu sóng
Cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng của nhóm tác giả Đoàn Bắc; Trịnh Phú Sơn; Nguyễn Hồng Kỳ thực hiện. Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào tháng 5/ 2013; khổ sách 20,5 cm x 18,5 cm; 44 trang; mã thư viện STK – 003146. Chủ quyền biển đảo cần gắn với lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của quốc gia. Đó là một nội dung của lịch sử dân tộc. Trong nội dung này cần đặc biệt chú ý đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa vì tính thời sự và yêu cầu trang bị hiểu biết khoa học kịp thời cho thế hệ trẻ. (Giáo sư – Viện sĩ Phan Huy Lê). Có ra Trường Sa mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỉ
trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn. Nay ra Trường Sa đã thấy nhiều đổi thay về cảnh vật, duy chỉ có những con người Việt Nam là vẫn giữ cốt cách gan góc của cha anh. Xưa có Trường Sơn nay có Trường Sa để thử thách bản lĩnh Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc “Tổ quốc nơi đầu sóng”, tác phẩm khắc họa chân thực, sinh động, hấp dẫn cuộc sống tình cảm cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu, chắc tay súng thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc của các chiến sĩ hải quân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, của các ngư dân và nhân dân ta. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần với 6 chương. Ngoài ra còn có phần Phụ lục gồm một số bài thơ, bản nhạc viết về biển, đảo quê hương. Bên cạnh đó, cuốn sách phản ánh đậm nét tình cảm của nhân dân và báo chí Thủ đô cùng cả nước luôn hướng về biển, đảo với nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền, quyên góp ủng hộ, thực hiện chính sách xã hội, thăm hỏi các gia đình cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên cương biển, đảo của Tổ quốc. “Tổ quốc nơi đầu sóng” góp phần bồi đắp ý thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó tăng cường sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuốn 2 Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Cuốn sách Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do tác giả Lê Thái Dũng biên soạn. Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành hành năm 2020; sách có 187 trang được in trên khổ giấy 13 cm x 21 cm; mang mã thư viện TN-000027. Nội dung sách được in thành 4 chương: Chương I: Những vấn đề chung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chương II: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Chương III: Hoàng Sa – Trường Sa qua một số tài liệu và thư tịch cổ. Chương IV: Cuộc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khái quát về quấn đảo Hoàng Sa: Quần đảo Hoàng Sa có tên quốc tế là Paracels Island, quần đảo này là một huyện đảo trực thuộc thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Hoàng Sa là một quần đảo san hô, gồm nhiều đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong phạm vi từ khoảng vĩ độ 15 độ 45 phút đến 17 độ 05 phút Bắc, kinh độ 111 độ đến 113 độ Đông; ngang với Huế và Đà Nẵng, phía ngoài của vịnh Bắc Bộ, ở khu vực phía Bắc biển Đông, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hơn 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 140 hải lý. Quần đảo Hoàng Sa có hơn 30 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô, bãi cát nằm rải rác trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, chiếm một diện tích biển rộng khoảng 15.000 km2. Toàn bộ phần diện tích nổi trên mặt nước của quần đảo Hoàng Sa rộng khoảng 10 km2. Quần đảo Hoàng Sa được chia làm hai nhóm: Nhóm phía Đông có tên là nhóm An Vĩnh và nhóm phía Tây Nam gọi là nhóm Lưỡi Liềm. Nhóm An Vĩnh gồm khoảng 12 đảo, đá, bãi cạn trong đõ có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5 km2 có nhiều cây cối bao quanh, có những bãi cát ngầm, bãi san hô. Một số đảo khác như đảo Cây, đảo Bắc, đảo Trung, đảo Nam… có diện tích từ 0,4km2 trở xuống. Nhóm Lưỡi Liềm gồm khoảng 15 đảo, mỏm đá, bãi ngầm xếp thành hình vòng cung nên có tên gọi như vậy. Nhóm này có các đảo chính là đảo Hoàng Sa (diện tích gần 1 km2), Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn… Khái quát về vị trí địa lý quần đảo Trường Sa Quần đảo Trường Sa tên quốc tế theo tiếng Anh là Spratly Island, quần đảo này là một huyện đảo trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam). Quần đảo Trường Sa nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 hải lý về phía Nam, bao gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô, nằm rải rác trong phạm vi biển, khoảng từ vĩ tuyến 6 độ 30 phút Bắc đến 12 độ 00 phút Bắc và khoảng từ kinh tuyến 111 độ 30 phút Đông đến 117 độ 20 phút Đông. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa khoảng 250 hải lý, cách điểm gần nhất của đảo Hải Nam khoảng 585 hải lý và đến đảo Đài Loan khoảng 810 hải lý; cách Cam Ranh khoảng 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2 nằm ở giữa vĩ độ 6030’ đến 120 Bắc và kinh độ 111030’ đến 117020’ Đông. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3km2, được chia làm 8 cụm (Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên), đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4 - 6m), đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (0,44 km2), sau đó là đảo Nam Yết (0,06 km2). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý. Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông, trong đó có 15 đến 20% tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo đã có đèn biển, có luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền tránh giông bão. Tuy nhiên, việc điều động tàu vẫn rất khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày. Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như: Hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước. Với vị trí ở giữa Biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực. Đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực (dự báo khoảng 7%/năm), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt ngay sau khi xây dựng xong kênh KRA (ở Thái Lan) sẽ thu hút thêm một lượng tàu biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội cho chúng ta chia sẻ thị phần vận tải quốc tế, khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao. Sau khi xâm lược nước ta và đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Xingapo, Inđônêxia. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Mỹ can thiệp, đưa quân vào miền Nam Việt Nam đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền ngụy Sài Gòn đóng giữ đảo Trường Sa, ép chính phủ Philippin cho Mỹ lập căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philippin để khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Bàn về Biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ Biển Đông. Theo nguồn: Ban tuyên giáo tỉnh ủy Khánh Hòa. Cuốn 3 Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa
Cuốn sách Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa –Trường Sa của nhóm tác giả Nguyễn Như Mai; Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Quốc Tín. Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2013; 1559 trang; sách được in trên khổ giấy 20,5cm x 18,5 cm. Sách được gắn mã thư viện STK – 0003141. Cuốn sách được viết làm ba chương. Chương I: Tổ quốc ta bao la biển cả. Chương II: Lần giở trang sử ông cha để lại.
Chương III: Giữ biển trời quê hương Thông qua các tư liệu, thư tịch và hiện vật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa, nhóm tác giả (Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Quốc Tín) xây dựng một chuyến hành trình, đưa các em nhỏ đến với vùng biển đảo của Tổ quốc.
Qua việc khám phá chiều rộng không gian và nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, tập sách mang đến cho độc giả nhỏ tuổi những tri thức về địa lý, lịch sử, vai trò của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đối với đất nước ta, đồng thời hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với những dẫn giải súc tích, những câu chuyện kể và tranh vẽ minh họa sinh động cùng những tấm bản đồ cổ được đưa vào, "chúng tôi hy vọng các em nhỏ sẽ có một chuyến du ngoạn tới vùng biển đảo của Tổ quốc thông qua những trang sách," tác giả Nguyễn Huy Thắng chia sẻ. "Hãy xoay quả địa cầu để khu vực Đông Nam Á hướng về chúng ta. Đúng như tên gọi, khu vực này nằm ỏ phía Đông Nam của châu Á, bao gồm một số đảo lớn nhỏ trong vùng biển phía tây nam của Thái Bình Dương. Đó là Biển Đông. Biển có tên gọi như vậy vì nó nằm ở phía Đông, phía mặt trời mọc so với nước ta. Ngoài Việt Nam, còn có tám nước nằm bao quanh Biển Đông: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia." Tấm
bản đồ vùng biển Đông Nam Á do nhà địa lý người Hà Lan Jodocus Hondius vẽ và ghi chú trước khoảng năm 1606 được in kèm với lời giới thiệu ấy, đưa lại cho chúng ta biết những hiểu biết cơ bản nhất về vị trí "Biển Đông giữa lòng Đông Nam Á." Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chia sẻ: “Tôi tin các em sẽ có nhiều hứng thú trong chuyến đi bằng câu chữ hình ảnh hôm nay, và ngày mai được thực sự cưỡi sóng ra khơi đến Hoàng Sa, Trường Sa, bước đi trên đất liền hay ngoài biển cả đều là đất nước quê hương mình.” Cuốn 4 Chủ quyền biển đảo Việt Nam xưa và nay
Cuốn sách Chủ quyền biển đảo Việt Nam xưa và nay của tác giả Lê Thái Dũng viết. Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành năm 2013; sách có độ dày 215 trang; được mang mã thư viện STK – 000013. Tự bao đời nay biển đảo đã gắn bó mật thiết với người Việt, đặc biệt trong thời đại ngày nay biển đảo là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ đất nước, chủ quyền quốc gia. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước cũng như góp phần quan trọng trong giữ vững an ninh quốc phong, ổn định
chính trị, hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Quyển sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam xưa và nay” của tác giả Lê Thái Dũng tập hợp nhiều bài viết khác nhau, được trình bày theo lối lịch sử sắp xếp logic theo từng giai đoạn. Từ thời Tiền Lê và việc xác lập biên giới trên biển cho đến bây giờ. Với độ dày 215 trang, quyển sách chuyển tải đến bạn đọc 23 bài viết về tiến trình phát hiện, xác lập chủ quyền biển đảo của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và các nội dung có liên quan. Một số bài viết tiêu biểu như: - Đôi nét về thủy quân thời Tiền Lê và việc xác lập biên giới trên biển; - Chuyện vua Lý Anh Tông hai lần đi tuần biển Đông; Lê Thánh Tông với việc xây dựng thủy quân hùng mạnh; - Các triều đại Việt Nam với hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển Đông; - Nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào? - Thủy quân nước Việt hai lần đánh bại chiến thuyền Tây phương; Hai tuyên bố quan trọng của Việt Nam về vấn đề biển; - Chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, trường Sa; - Quá trình hình thành và nội dung tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); - Những tòa án quốc tế nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp biển đảo? - Giá trị pháp lý của các phán quyết về tranh chấp biển đảo; - "Đường lưỡi bò” và tính pháp lý theo luật quốc tế; - Biển đảo - Một đề tài cần mở rộng trên tem bưu chính Việt Nam. Qua những câu chuyện lịch sử về quản lý, khai thác và bảo vệ biển đảo, sự kiện đối ngoại và các dữ kiện pháp lý gắn với biển đảo được trình bày, quyển sách giúp bạn đọc thấy được hình ảnh người Việt vượt qua bao bão tố phong ba vẫn kiên cường bám trụ, vững vàng tay chèo, tay lái để cắm ngọn cờ chủ quyền trên các hải đảo xa xôi, quản lý bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Cuốn 5 Trường Sa kì vĩ và gian lao
Cuốn sách Trường Sa kì vĩ và gian lao của tác Sương Nguyệt Minh viết, nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2022; gồm 191 trang; khổ sách 14,5 cm x 20,5 cm; gắn mã thư viện TN – 000003. Nhà văn Sương Nguyệt Minh sinh năm 1958. Quê quán Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình. Tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Sơn. Ông sống và làm việc tại Hà Nội, ông đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác văn học trong đó có: “Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2010”. Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Sương Nguyệt Minh: - Đêm thánh vô cùng - Lửa cháy trong rừng hoang - Người ở bến sông Châu - Nỗi đau dòng họ - Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao… Cuốn sách Trường Sa kì vĩ và gian lao của Sương Nguyệt Minh là một tác
phẩm đầy cảm hứng về đất nước Việt Nam và biển đảo của chúng ta. Trong sách, tác giả đã mô tả một cách sống động về căn bản của một người lính trên biển cùng với những trải nghiệm cực kỳ khắc nghiệt. Bên cạnh đó, sách còn đưa ra rất nhiều thông tin thú vị về lịch sử và địa lý của Trường Sa, tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh trên biển đảo để bảo vệ chủ quyền của quốc gia. Cuốn sách xứng đáng là món quà tuyệt vời dành cho những ai yêu biển đảo và yêu nước Việt Nam. Trong mục Nước ngọt quý hiếm như máu “Trường Sa mênh mông, kì vĩ, chỉ nghe kể cũng muốn đến để biết, để cảm nhận, để đắm mình vào thiên nhiên cho sướng đủ một đời người. Nhưng đằng sau những điều kì thú, lãng mạn ấy là nỗi gian lao đẫm nước mắt của người lính biển: Trước hết là chịu đựng âm thầm đời sống đảo thiếu nước ngọt, tình cảnh chia đong từng ca nước cho nhau dùng mới nghe đã xót xa và thúc đẩy lòng thương cảm”. Các thế hệ người lính ở Trường sa đã và đang sống điều kiện khô nóng, ít mưa thừa nắng, thiếu nước ngọt, đến mức phải chắt chiu từng giọt. Nước ngọt ở Trường Sa có được từ hai nguồn: Nước mưa và tàu từ đất liền chở ra; còn nước ngọt lọc từ nước biển mới trở thành hiện thực vào đầu năm 2014 và công suất còn rất khiêm tốn. Mùa khô mong một lần tắm thỏa thích cũng chỉ là ước mơ xa xỉ chưa bao giờ chở thành hiện thực. Mùa mưa lính đảo cởi trần trùng trục tắm tiên thì còn sung sướng hơn cả ăn yến tiệc “nem công chả phượng” ở đất kinh kì. Chỉ khi tàu ra mới xênh xang một chút, hôm đầu tiên vác nước từ xuồng CQ lên đảo, lính biển được bữa đại tiệc dùng một lúc… đầy can nhựa 30 lít nước ngọt cho cả tắm rửa, giặt giũ. Cuốn 6 Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa
Cuốn sách Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy viết; Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2013; khổ sách 14,5 cm x 20,5 cm; 90 trang; sách được gắn mã thư viện STK – 003147. Cuốn sách dược viết gồm 6 phần: - Ra đảo - Mùa biển lặng - Mùa biển động - Kì thú biển trời Trường Sa - Thám hiểm đáy biển Trường Sa - Những người giữ đảo. Quần đảo Trường Sa, vùng biển – đảo xa xôi nơi tuyến đầu Tổ quốc. Không chỉ là xứ sở sóng gió mà còn luôn chứa đựng những điều bí ẩn không phải ai cũng có cơ hội được hưởng ngoạn, khám phá. Cuộc sống ở Trường Sa có gì đặc biệt và thiên nhiên nơi đây quyến rũ như thế nào mà chắc hẳn
các bạn nhỏ của chúng ta rất muốn biết. Nhưng để vượt qua chặng đường gần năm trăm hải lí đến với Trường Sa là một việc không đơn giản. Tác giả Nguyễn Xuân Thủy đưa chúng ta đi thăm quan Trường Sa bằng một chuyến du lịch đơn giản hơn thông qua cuốn sách này. Mỗi chuyến đi Trường Sa, thường thì một con tàu, phải mất từ bảy đến mười ngày mới đủ thời gian ghé thăm các đảo trong Quần đảo. Và với khoảng thời gian đó, mỗi chuyến đi chỉ có thể thăm quan được một tuyến đảo ở phía Bắc hay phía Nam mà thôi. Còn chúng ta bằng chuyến “du lịch đặc biệt” qua từng trang viết, chú Nguyễn Xuân Thủy, một chiến sĩ đã có những năm tháng sống và làm việc trực tiếp tại Trường Sa, sẽ đưa các em ghé thăm hầu hết các đảo để biết thêm về cuộc sống, thiên nhiên, cây cối, loài vật…trong Quần đảo. Nào chúng ta cùng tìm hiểu về Trường Sa - một phần máu thịt không thể tách rời của Đất mẹ Việt Nam nhé! Cuốn 7 Trong giông gió Trường Sa
Cuốn sách Trong giông gió Trường Sa của nhiều tác giả viết; Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2013; khổ sách 14,5 cm x 20,5 cm; gồm 122 trang; được mang mã thư viện STK – 003138. Cuốn sách được các tác giả viết từ những bút kí hay về Trường Sa gồm có sáu mục chính: - Một ngày ở Trường Sa - Hoàng hôn màu lá mạ - Cô gái và những người lính đảo - Trường Sa – những thời khắc thiên nhiên - Trường Sa, mai vàng mùa gió chướng - Trong giông gió Trường Sa. Sau đây mời quý thầy cô cùng các con học sinh theo dõi đoạn trích trong mục Con người nơi bão tố giông ba – của Sương Nguyệt Minh.
Quần đảo TrườngSa đã được gắn cho cái tên chẳng mấy êm đềm là Quần đảo bão tố. Gần như mọi cơn bão vào Việt Nam đều bắt nguồn từ khu vực này. Tôi đọc sách biết rằng. Vào khoảng tháng Mười năm 1714, ba tàu buôn lạ sau khi vượt qua địa phận Trường Sa, chớm vào lãnh hải Hoàng Sa thì gặp bão, tàu va vào đá san hô ngầm bị đắm. Họ may mắn thoát chết vì được ngư dân và thủy quân chúa Nguyễn đang đi tuần tra vớt và đưa vào đất liền. Chúa Nguyễn lệnh cấp cho họ cơm ăn, nước uống, họ không biết gắp thức ăn bằng đũa tre mà toàn dùng tay bốc, ăn xong không biết dùng tăm xỉa răng mà lại lấy ngón tay kì cọ trong miệng. Cấp áo dài thân, khăn vấn họ toàn cởi trần vắt vai vì hẹp quá không mặc được; cấp cho guốc đẽo bằng gốc tre thì xách trên tay và đi chân không. Ngô ngố quá nhìn thấy ai cũng cười. Về sau mới biết họ là dân xứ Hà Lan, nơi trước đó một trăm năm mươi năm giai cấp tư sản đã nổi dậy làm cuộc cách mạng Nêdeclan và có nghề đi biển chỉ sau Anh quốc, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Hóa ra thủy quân chúa Nguyễn thật thà, hồn nhiên không đâu bằng. Chuyện xưa nhắc lại, tôi chỉ muốn thêm một lần nữa nói rằng: Ngày xa xưa ấy, ông cha ta đã thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo của nước nhà rồi. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục làm cái công việc giữ biển đảo nơi rốn bão này. Ngày xưa thủy quân chỉ đi lượm hóa vật, hải sản và tuần tra, nếu có đồn trú thì thời gian cũng không lâu. Còn bây giờ, lính đảo của chúng ta phải thường xuyên năm này qua năm khác. Bao nhiêu lần xua đuổi tàu đánh cá nước ngoài đến xâm phạm vùng biển và thềm lục địa. Bao nhiêu lần cứu hộ cứu nạn, cấp nước ngọt cho ngư dân trong và ngoài nước. Nắng nóng, xa nhà, nhớ gia đình… Không kể hết. Nhiều người ở Trường Sa Đông, Đá Lát rồi đến Tốc Tan, An Bang… năm, sáu năm thậm chí chín, mười năm, cứ hết đảo này lại sang đảo khác công tác mà chẳng hề kêu ca. Chắc chắn bây giờ lính đảo ở biền nhiều hơn thủy quân của ông cha ta thuở trước. Ai cũng biết vất vả, gian khổ nhất vẫn là những người lính ở đảo chìm và nhà giàn DK1 Còn gọi là trạm KHKT và dịch vụ thềm lục địa phía Nam. Gọi là đảo chìm vì lúc nào cũng ngập dưới nước, chỉ khi thủy triều xuống các bãi đá san hô mới nhô lên, người ta cho xây nhà lâu bền, dự trữ vũ khí, đạn dược, và lương thực, thực phẩm đủ dùng cho ba đến sáu tháng. Các đảo Côn Lin, Tiên Nữ, Núi Le, Đá Đông… đều đã được xây nhà kiên cố, lâu bền, nhưng xung quanh tứ bề là nước với bão gió. Nhà lâu bền ở đây cao như tòa nhà ba tầng, vậy mà khi gió, bão, sóng đánh vọt lên cả tầng cao nhất. Trừ bộ phận trực chiến ngày đêm còn lại đều chui vào phòng đống chặt cửa để bão, gió khỏi cuốn xuống biển. Anh em lính đảo kể rằng: nước biển chảy qua khe cửa vào phòng ngủ, sáng ra đóng thành váng muối, lấy tay vun lại được hàng vốc. Ở đảo chìm khó khăn lắm vất vả nhiều, nhưng ở nhà giàn DK1 còn gian khổ hơn. Chân các nhà giàn DK1 là bốn cái cọc sắt đường kính khoảng 40cm giằng với nhau bằng các thanh sắt chứ L, cắm xuống đáy biển có độ sâu 10 – 20m. Sống ở đây thì cũng trên là trời, dưới là nước. Sàn nhà cách mặt biển hơn 10m, độ cao này vẫn bị sóng lớn đánh vọt lên tận nơi. Anh em ở đây rất yên tâm công tác. Họ có kể cho cho tôi nghe câu chuyện rất thương tâm từ sáu năm trước một đêm không trăng sao, trời tối đen như mực. Chập tối gió nổi lên. Nửa đêm gió giật mạnh. Gần sáng sóng lừng lững hết đợt này đến đợt khác xô vào nhà giàn DK1 – 6 khu Phúc Nguyên. Khoảng 4 giờ sáng nó không chịu đựng nổi cơn sóng khổng lồ và bị đổ ụp xuống biển. Chín anh em cùng rơi theo xuống nước, sáu người kịp bám vào phao. Mưa cha, bão giật. Sóng dồn. Bìu díu dìu nhau không nghĩ là sống nổi. Một ngày đói, khát, mệt là tưởng sắp chết thì đúng sáu giờ tối thì gặp tàu đi tìm kiếm vớt được; chỉ tiếc ba người đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Sau đây là hình ảnh những cuốn sách trong thư mục viết về biển, đảo Trường Sa, Hoàng của Việt Nam.
Để hiểu hơn về lịch sử và ý chí kiên cường, không nản chí của cha ông ta từ ngàn đời xưa đến nay. Trân trọng kính mời quý thầy cô cùng các con học sinh đến thư viện nhà tìm đọc những cuốn sách này nhé! Với kinh nghiệm viết thư mục chưa được nhiều, quý thầy cô đọc và tìm hiểu có điều gì thiếu sót xin góp ý để thư mục lần sau tôi viết được hoàn thiện hơn. Tôi xin chần thành cảm ơn!