Bài giới thiệu sách tháng 5

Thứ hai - 05/05/2025 15:30
Tại sao Mỹ - một đất nước có nhiều vũ khí tối tân hiện đại như vậy lại phải thua thảm bại một dân tộc bé nhỏ với những vũ khí thô sơ? Sự kiện 30/4/1975 kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước kéo dài 20 năm. Trong cuộc chiến đó biết bao nhiêu con người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc? Là những câu hỏi mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta chưa có được câu trả lời. Hãy đến với thư viện Trường Tiểu học Thanh Cao và đọc cuốn sách Đường chúng ta đi để có được câu trả lời nhé.
Bài giới thiệu sách tháng 5
Thư viện trường Tiểu học Thanh Cao
Thanh Cao, ngày 5 tháng 5 năm 2025
Bài giới thiệu sách tháng 5
Cuốn sách: Đường chúng ta đi
Trong bài thơ Việt Nam thân yêu của Nguyễn Đình Thi có viết:
Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
Cánh cò bay lả dập dờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Quê hương biết mấy thân yêu,
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau.
Mặt người vất vả in sâu,
Gái trai chung một áo nâu nhuộm bùn.
Đất nghèo nuôi những anh hùng,
Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên.
Đạp quân thù xuống đất đen,
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các con học sinh yêu quý!
Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay, thư viện trường Tiểu học Thanh Cao rất hân hạnh được giới thiệu đến quý vị đại biểu, cùng các thầy giáo, cô giáo và các con học sinh cuốn sách được mang tên Đường chúng ta đi.
      Cuốn sách Đường chúng ta đi - là tập ký thời kỳ chống Mỹ do Ban Văn học Việt Nam hiện đại – Viện Văn học tuyển chọn và giới thiệu. Tập ký của các tác giả: Anh Đức; Trần Hiếu Minh; Nguyễn Trung Thành; Xuân Diệu; Chế Lan Viên; Giang Nam; Nguyễn Thi; Nguyễn Tuân; Hoàng Phủ Ngọc Tường; Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2005; sách có  chiều cao 18,5 cm x 18,5 cm; độ dày 151 trang; sách được mang mã thư viện STK – 003158. Ngay trang bìa là hình
ảnh các cô, các chú bộ đội cùng với vũ khí thô sơ với tinh thần thép “nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Sau đây, tôi xin mời quý vị đại biểu cùng quý thầy cô và các con học sinh nghe một đoạn trích trong tập ký Đồng bằng đánh Mỹ của nhà văn Giang Nam . Nội dung nói về lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu gan dạ của các bác miền Nam chiến đấu trong lòng địch như thế nào nhé!
Ở xã Hiệp Hòa một tên lính Mỹ vừa châm lửa đốt nhà bác S. liền bị bác níu bắt đền. Nó hoảng quá, vội bê luôn cả hai hũ nước uống quẳng lên mái nhà để chữa cháy…Ở Tân Phú, Mỹ Hạnh, Đức Lập và nhiều nơi khác, các má các chị và các em bé của chúng ta đã nằm lăn ra đường để cản xe bọc thép, đã giăng tay thành những hàng rào người, bắt chúng phải quay đầu không được càn lên ruộng rẫy của đồng bào. Chúng đành phải đi theo những con đường do bà con ta chỉ cho chúng. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu của đồng bào đã được chị H, một cán bộ phụ nữ huyện, diễn tả rất hay: “Anh à mỗi buổi sáng hễ nghe xe M.113 hú là bà con chúng tôi dậy ù ù như chim trong bưng!”
 Lính Mỹ không chỉ khóc vì sợ chết, lính Mỹ còn khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con. Người có khả năng khơi gợi tình cảm sâu kín nhất trong tâm hồn những kẻ tưởng đã mất hết lương tri ấy có lẽ là bác B. - một nông dân có bốn con xã Tân Phú. Bác không biết một tiếng Mỹ nhưng bác vẫn có cách làm cho năm tên lính thiết giáp Mỹ ghé vào nhà bác chơi, hiểu hoàn cảnh của bác. Vợ bác bị pháo Mỹ bắn chết, bốn con nhỏ của bác giờ sống chít chiu như gà con mất mẹ…Những người thanh niên Mỹ mặc áo lính ấy đã cúi gằm mặt không dám nhìn lên ảnh người thiếu phụ Việt Nam treo trên bàn thờ hình như đang nghiêm khắc buộc tội họ. Một tên bỗng rút bóp trao cho bác B. xem ảnh một cụ già Mỹ, tóc bạc trắng. Bằng đôi tay, bằng cặp mắt và bằng cả nét mặt của mình bác đã “nói” cho chúng biết cầm súng bắn nhân dân Việt Nam, chúng sẽ không tránh khỏi cái chết nhục nhã. Đến lúc ấy thì cha mẹ chúng còn bên nước Mỹ sẽ đau đớn gấp năm gấp mười lần cái đau đớn của bác lúc này. Ông cụ già Mỹ tóc bạc trắng ấy có thể sống được không khi đứa con mà ông ta yêu quý nhất đời không còn nữa? Năm tên lính Mỹ to xác ôm nhau khóc hu hu như cha chết. Từ hôm đó, chúng thường nghé lại nhà bác B. chơi, những chiếc xe bọc thép Mỹ chạy qua ấp này đều tránh không càn vào ruộng của đồng bào nữa. Và bác B. nghiễm nhiên trở thành người đại biểu thay mặt cho bà con để đấu tranh với giặc Mỹ.
          Cũng ở Tân Phú, một tiểu đoàn Mỹ đến đóng xung quanh nhà bác C. Riêng nhà bác cũng phải chứa gần một tiểu đội. Vì chúng đến bất thình lình nên bốn cán bộ ta bị kẹt dưới hầm bí mật không ra được. Ở lâu dưới hầm sẽ bị ngạt, bị đói, phải đuổi chúng đi. Hai vợ chồng bác liền bàn với nhau: Bác gái và mấy đứa nhỏ ở nhà giữ không cho địch lục lạo, bác trai lên kiện với bọn chỉ huy Mỹ: “Mấy ông nói lính “đồng minh” tới đây để bảo vệ dân. Bảo vệ gì đóng trong nhà người ta, làm cho đàn bà con nít sợ không dám ngủ. Nếu đúng quân đồng minh là tốt thì phải đóng ở ngoài”. Bọn Mỹ đành ríu rít vác ba lô, vác súng ra vườn ngủ. Đêm đến, bác giở nắp hầm cho cán bộ lên. Hai ngày liền, gia đình bác nuôi cán bộ giữa vòng vây giặc như vậy. Nhưng, bọn Mỹ vẫn không chịu chuyển quân qua hướng khác. Anh em sẽ đuối sức mất. Lần thứ hai bác C. đến gặp chỉ huy xin phép chở lúa đi chà, luôn tiện chở rơm ra đồng cho trâu ăn. Được sự đồng ý của chúng, khuya hôm ấy, bác cho xe bò cặp sát nhà. Mỗi cán bộ ta chui vào một bao bố để bác cột miệng và vác lên xe. Trên những “bao bố người” ấy, bác chất đầy rơm. Bác trai đánh xe, bác gái dắt bò, chiếc xe bánh sắt nặng nề lần ra đồng giữa những cụm lính Mỹ đóng đầy hai bên đường. Bỗng nhiên cặp bò chở chứng lồng lên. Bọn Mỹ ồn ào bu tới xem. Nguy quá! Không khéo thì lộ mất! Bác trai nhanh trí gọi thông ngôn. “Nhờ thầy nói mấy ông đồng minh này tránh ra xa giùm. Mùi Mỹ làm bò nó sợ”. Tên thông ngôn vừa xua xua tụi giặc vừa chửi đổng. “quân đồng minh gì mà ngu thấy mẹ, có bữa bò nó chèn cho núng ruột”. Bọn giặc dạt ra xa rồi, bác bỗng nghe tiếng thều thào từ trong bao bố vọng ra: “Bác Sáu coi chừng mắc bò lộn vai, bò bẻ óng bây giờ!”. Đúng là trong lúc vội vã bác mắc bò lộn vai thật. Húa vía! Đưa cán bộ ra vùng giải phóng an toàn rồi, hai vợ chồng bác C. lại trở về, tiếp tục cuộc chiến đấu âm thầm nhưng quyết liệt chống kẻ thù.
          Không thể nào kể hết – và có cần phải kể hết không – những gương đấu tranh chính trị xuất sắc của bà con ta ở đồng bằng Long An mới thấy được cái thế độc đáo, cái thế đứng trên đầu thù của quân dân Long An trong một cuộc đọ sức đầu tiên với quân đội viễn chinh xâm lược Mỹ. Từ cuộc chiến tranh đặc biệt sang cuộc chiến tranh cục bộ, từ đánh ngụy đến đánh cả Mỹ lẫn ngụy, sự chuyển tiếp đã diễn ra giòn giã quá, thoải mái quá…Đồng bằng Nam Bộ mênh mông tươi mát và vô cùng anh dũng của chúng ta, vẫn mênh mông tươi mát và anh dũng vô cùng như tự bao giờ…
          Trên đây, là một phần rất nhỏ trong cuốn tập ký Đường chúng ta đi mà tôi vừa giới thiệu đến quý vị đại biểu và quý thầy cô. Để tìm hiểu bà con nhân dân miền Nam đánh Mỹ gian khó và mưu trí ra sao? Tôi xin mời quý vị đại biểu cùng các thầy giáo, cô giáo và các bạn học sinh đến thư viện trường Tiểu học Thanh Cao tìm đọc cuốn sách này nhé! Sách được mang mã thư viện STK – 003158.
          Tôi xin kính chúc quý vị đại biều, các thầy giáo, cô giáo có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Các con học sinh chăm ngoan học giỏi! Hẹn gặp lại các quý vị cùng thầy cô và các con học sinh vào buổi giới thiệu sách lần sau!
          * Học sinh trả lời câu hỏi:
  • Cuốn sách cô vừa giới thiệu có tên là gì? (Đường chúng ta đi)
  • Nội dung các câu chuyện  cô vừa kể nói nên điều gì? (Nói về tinh thần chiến đấu, mưu trí và gan dạ của bà con nông dân miền Nam)
 
Cán bộ thư viện



Đào Thị Oanh Yến
T/M nhà trường



Nguyễn Thị Cúc

         


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây