CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ HỒNG DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT BẰNG TÌNH THƯƠNG NGƯỜI MẸ

Thứ năm - 29/07/2021 06:32
Trong môi trường giáo dục các thầy giáo, cô giáo luôn được xem là cha, là mẹ của các em học sinh. Họ cứ thế âm thầm hy sinh dạy dỗ cho biết bao thế hệ trưởng thành. Không màng công sức, thời gian dành trọn tình yêu thương cho những đứa con ngây dại của mình. Một trong những “Người mẹ” mà tôi cảm phục và tự hào là cô giáo: Nguyễn Thị Hồng - đồng nghiệp của tôi tại ngôi Trường Tiểu học Thanh Cao Huyện Thanh Oai Thành Phố Hà Nội.
Cô giáo: Nguyễn Thị Hồng trong giờ dạy Toán
Cô giáo: Nguyễn Thị Hồng trong giờ dạy Toán
Yêu nghề mến trẻ đã ăn sâu vào tiềm thức cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng từ khi cô còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ước mơ được làm cô giáo đã trở thành hiện thực khi cô được đứng trên bục giảng từ tháng 11/1997. Đến nay gắn bó với nghề đã tròn 24 năm tuổi trẻ trong đó có 12 năm trở lại đây cô được phân công chủ nhiệm lớp 1C. Dạy lớp 1 đã là khó khăn, vất vả nhưng lớp cô còn khó khăn gấp bội vì hầu như năm nào lớp cô cũng đón chào một, hai em học sinh khuyết tật.
Tuyên bố Salamanca (1994) đã nêu: “Giáo dục là quyền của con người và những người khuyết tật cũng có quyền được học trong các trường phổ thông và các trường đó phải được thay đổi để tất cả trẻ em đều được học”. Trên nền tảng đạo đức đó giáo dục hoà nhập ra đời đây là phương thức giáo dục, trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi trẻ sinh sống. Giáo dục hoà nhập xuất phát từ quan điểm xã hội về giáo dục, coi nhà trường như một xã hội thu nhỏ và phản ánh tính chất đa dạng của xã hội, vì vậy môi trường giáo dục phổ thông được chú ý cải thiện sao cho đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi học sinh, kể cả những học sinh có khó khăn đặc thù. Đây là mô hình giáo dục tiến bộ nhất được biết đến trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật.
Chính vì vậy ngay sau khi tiếp nhận các em khuyết tật cô Hồng đã xây dựng phương pháp giảng dạy đặc biệt làm sao vừa truyền tải kiến thức đầy đủ cho các em học sinh bình thường song bên cạnh đó phải hỗ trợ giúp đỡ các em khuyết tật hoà nhập với các bạn một cách hoà đồng. Cô quan niệm lớp mình không có sự tách biệt giữa học sinh với nhau. Mọi học sinh đều được tôn trọng và đều có giá trị như nhau.
Cô nhận định trẻ khuyết tật: Là trẻ em do tổn thương về cơ thể hoặc rối loạn các chức năng nhất định gây ra những khó khăn đặc thù trong các hoạt động, học tập, vui chơi lao động. Và ngay từ đầu cô đã xác định việc dạy các em học sinh khuyết tật vô cùng vất vả, phức tạp và đòi hỏi người dạy phải có lòng kiên trì, nhẫn nại. Cô Hồng từng tâm sự  “Vì khuyết tật nên các em khá rụt rè, sợ sệt tự ti và dễ bị tổn thương bản thân giáo viên ngoài tình thương yêu vô điều kiện ra còn phải nắm bắt tâm lý, có lúc nghiêm nghị nhưng có lúc phải dỗ dành”. Năm học 2020 – 2021 lớp cô đón hai em khuyết tật: Tuấn Anh: hạn chế về ngôn ngữ, trí tuệ kém phát triển và hơi hướng tăng động. Có đôi lúc em không tự chủ được cảm xúc và hành vi
Dưới sự nỗ lực không mệt mỏi, niềm tin và tình yêu thương cô dành cho Tuấn Anh từ một trò hạn chế khả năng ngôn ngữ giờ đây Tuấn Anh đã có thế đọc bài tuy rằng giọng đọc còn ngọng ngịu nhưng so với Tuấn Anh của đợt đầu đi học chỉ biết la hét và đập đầu vào tường đã là một thành công lớn của cả cô và trò.
Trò khuyết tật vận động trí tuệ, trí nhớ kém phát triển cũng không điều khiển được hành vi tuy trò không phá phách và la hét như Tuấn Anh nhưng bản thân cũng không chế được hành vi suốt ngày đi vệ sinh ra lớp chỉ tội cho cô giáo
Tuy rằng là vậy nhưng chúng tôi chưa từng thấy cô nản lòng và than vãn. Cô nói được mỗi ngày lên lớp sống chung bao cung bậc cảm xúc, yêu thương, cảm thông với từng trò khiến cho cô thêm phần vui vẻ, cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa.
Mộc mạc, giản dị, gần gũi, chân thành là hình ảnh mà người đồng nghiệp tôi trân quý dường như không có lúc nào cô được thảnh thơi. Không chỉ chăm sóc và yêu thương những đứa con đặc biệt mà đối với tất cả mọi học trò cô vẫn vậy dịu dàng ân cần nâng niu trân trọng. Cứ như vậy trong công tác giảng dạy ngoài việc phải đối mặt hàng ngày với vô vàn những tình huống sư phạm đòi hỏi cô Hồng phải thật khéo léo, mềm dẻo nhưng quyết đoán của việc dạy trẻ em khuyết tật cô giáo Nguyễn Thị Hồng đã chứng minh cho chúng tôi thấy được làm thầy không phải là công việc đơn thuần như bao công việc khác mà đó là cả một bầu trời của tình thương, trách nhiệm to lớn để giáo dục, định hướng và bảo vệ thế hệ trẻ.
Trẻ khuyết tật có thể tham gia các hoạt động như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Tuy nhiên, trẻ có được tham gia các hoạt động đó để thể hiện và phát triển các tiềm năng của bản thân hay không tuỳ thuộc phần lớn vào sự tạo điều kiện của cộng đồng và toàn xã hội. Trong đó có sự hy sinh thầm lặng đóng góp công sức hết lòng yêu thương học trò vô bờ bến của đại đa số những nhà giáo tâm huyết như cô giáo Nguyễn Thị Hồng của chúng tôi.
Tác giả
Nguyễn Thị Hương Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây